MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trung tâm Cấp cứu và điều phối F0: Tận dụng từng giây phút để cứu bệnh nhân

ANH TÚ - KHÁNH LINH LDO | 18/08/2021 12:03

Trong bối cảnh dịch bệnh ở TPHCM có những diễn biến phức tạp, đội ngũ Trung tâm cấp cứu 115 đã và đang có những nỗ lực vượt bậc trong công tác tiếp nhận thông tin, điều phối cấp cứu trên địa bàn thành phố, góp phần đáng kể vào cuộc chiến giành sự sống cho bệnh nhân COVID-19.

Thành lập vào đầu tháng 8, trạm dã chiến Tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12, TPHCM) nhằm giảm tải áp lực cho Trung tâm cấp cứu 115 tại cơ sở chính (quận 10, TPHCM).
Nhân sự làm việc tại đây tập hợp từ nhiều đơn vị: Các sinh viên y khoa Phạm Ngọc Thạch, Tổng đài viên đến từ tập đoàn Phương Trang, tình nguyện viên Thành Đoàn TPHCM và các điều phối viên 115 chính quy. Tất cả lực lượng này đều đang thực hiện "3 tại chỗ" ngay tại trụ sở trạm dã chiến từ đầu tháng 8.

Chị Hoàng Như Thơ - Điều phối viên Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết, theo thống kê, hiện tại mỗi ngày Trung tâm Cấp cứu nhận được khoảng 10.000 cuộc gọi mỗi ngày. "Thời điểm này các cuộc gọi khẩn cấp nhiều hơn, chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ điều xe nhanh nhất khi nhận biết người bệnh có dấu hiệu nguy kịch"- Chị Thơ chia sẻ.
Mỗi tổng đài viên chính là 1 bác sĩ online, kết nối và hỗ trợ bệnh nhân kịp thời.
Tổng đài, điều phối viên ở Trung tâm Cấp cứu 115 luôn phải cố gắng trấn an bệnh nhân bình tĩnh nhất có thể, vì chỉ khi bình tĩnh mới xử lý được tình huống.
Là người phụ trách quản lý tại trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến đặt tại Nhà thiếu nhi Huyện Bình Chánh, bác sĩ Đồng Ngọc Hiền cho biết từ sáng sớm đến nửa đêm, các bác sỹ, điều dưỡng, tài xế ở đây phải chia ca, kíp trực để đảm bảo sẵn sàng ứng cứu bất kỳ lúc nào. "Hiện nhân lực của trạm có 11 nhân viên của Trung tâm 115 và 19 tình nguyện viên bên ngoài. Lực lượng toàn những người trẻ tuổi, đó là thế mạnh của chúng tôi. Nhóm vừa xử lý xong một ca, trở về là lại có sức để tiếp tục đi"- Bác sĩ Hiền tâm sự.
Khi nhận được thông tin về bệnh nhân có dấu hiệu nguy kịch cần trợ giúp cấp cứu, kíp trực tại trạm cấp cứu vệ tinh ở huyện Bình Chánh nhanh chóng chạy đến khu vực đồ bảo hộ. Vài phút sau, đội cấp cứu đã mặc xong đồ, xách túi y tế và bình oxy lên xe cấp cứu.
Khi đội cấp cứu tới nơi, bệnh nhân là bà N. (50 tuổi, huyện Bình Chánh) đang trong trạng thái mê man, bình oxy đã cạn, mắt lờ đờ không nói được. Đội ngũ nhanh chóng sơ cấp cứu, gắn bình oxy cho bệnh nhân. Trước đó, chị Lê Thị Mỹ Trang (con gái bà N.) đã liên hệ khắp nơi nhưng các bệnh viện trả lời đang quá tải, hướng dẫn chị chờ ở nhà. May mắn là đội ngũ Cấp cứu 115 đã tới nơi và kịp thời hỗ trợ cho bà N.
Những cuộc cấp cứu diễn ra ngay cả trong đêm tối. Bất cứ lúc nào, đội ngũ cấp cứu cũng sẵn sàng lên đường để cứu sống bệnh nhân.
Lần này là một ca cấp cứu nặng, bệnh nhân lớn tuổi phải chuyển gấp vào bệnh viện trong đêm. Đối mặt với khối công việc hằng giờ, việc xuyên đêm không ngủ đã trở thành điều quá bình thường đối với những "chiến binh" ở đây.
Nhưng sự có mặt kịp thời của đội ngũ cấp cứu 115 đối với bệnh nhân hay với người nhà, là niềm hy vọng lớn nhất của họ vào những lúc dịch bệnh.
Những chiến binh cấp cứu 115 đã và đang dồn toàn lực, tranh thủ từng giây từng phút trong cuộc chiến sinh – tử giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn