MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tuyên Quang: Danh nghĩa "chống sạt lở", ồ ạt đổ thải xâm lấn sông Lô

Phong Quang - Phùng Minh LDO | 28/10/2021 10:41

Tuyên Quang - Hàng vạn khối đất đá, phế thải xây dựng đang được đổ thẳng xuống sông Lô, đoạn qua huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Lạ thay, việc này lại được sự cho phép của chính quyền địa phương.

Một bãi thải rộng cả nghìn m2 với hàng vạn khối đất đá, phế thải xây dựng đã được đổ thẳng xuống sông Lô đoạn qua thôn Mãn Sơn, xã Vân Sơn, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Theo người dân địa phương, hoạt động đổ thải tại đây bắt đầu từ khoảng giữa năm 2019. 
Dưới lòng sông là nham nhở các loại phế thải xây dựng như đất, gạch vỡ, bê tông và cả rác đã được đổ xuống hình thành một bờ vách cao khoảng 5m so với mặt nước. Phần chìm xuống lòng sông chưa thể đo đếm nhưng ước tính có cả nghìn khối đất, đá. 
Rất nhiều khối bê tông bị phá dỡ trong quá trình xây dựng được tập kết về khu vực bãi thải này. 
Đất thải với dấu tích rất mới và kèm cả rác bốc mùi hôi tanh vẫn đang tiếp tục được đổ về khu vực này. 
Một phần bãi thải được tận dụng để tập kết, ương tạm một số cây trồng lâu năm. Theo ghi nhận của PV, bãi thải đua ra lòng sông Lô khoảng hơn 40m, với chiều dài gần 100m và tiếp giáp với tuyến đường từ trung tâm xã Vân Sơn đi thôn Mãn Sơn. 
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Chủ tịch UBND xã Vân Sơn, khu vực đổ thải trên do Công ty TNHH Tỉnh Đào (Công ty Tỉnh Đào) thực hiện từ 2 năm nay và được sự đồng ý của UBND huyện Sơn Dương với mục đích “chống sạt lở bờ sông“. 
Được biết, ngày 5.6.2019 xã Vân Sơn có văn bản số 31/CV-UBND gửi UBND huyện Sơn Dương đề nghị chấp thuận cho Công ty Tỉnh Đào tự bỏ vốn xây dựng đắp đất đá tạo bờ lấn ra lòng sông Lô chống sạt lở bờ soi, đê. Khi được đề nghị cung cấp văn bản đánh giá hiện trạng sạt lở tại khu vực này và các tài liệu liên quan bà Hạnh từ chối với lý do “các cơ quan chức năng đang thanh kiểm tra, xã không thể cung cấp thông tin, tài liệu cho báo chí“.
Một điểm đổ thải khác trên sông Lô đoạn qua thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương). Diện tích bãi thải này ước tính khoảng gần 3.000m2, một bên tiếp giá với một bến thuỷ nội địa, một bên là bãi bồi canh tác nông nghiệp của người dân địa phương. 
Tương tự như điểm đổ thải ở xã Vân Sơn, tại đây phế thải xây dựng đã được đổ trùm và tràn xuống một phần lòng sông Lô, ước tính cả vạn khối đất đá đã được tập kết về khu vực này. 
Ngổn ngang các tấm bê tông bị phá dỡ đã được chuyển về vứt bỏ tại đây. 
Ông Nguyễn Xuân Hiển - Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc cho biết, điểm đổ thải này do Công ty TNHH Tỉnh Đào thực hiện. Phế thải chủ yếu là đất đá, bê tông bỏ đi trong quá trình công ty Tỉnh đảo thi công đường giao thông trên địa bàn. 
Khi được đề nghị cung cấp giấp phép, phương án đổ thải và tài liệu liên quan ông Hiển cho biết: “Hiện tại xã không giữ bất kỳ giấy tờ nào liên quan tới việc này do đã cung cấp cho đoàn thanh, kiểm tra của huyện và tỉnh“. Đồng thời hướng dẫn PV có thể đến trực tiếp đơn vị đổ thải hoặc UBND huyện Sơn Dương, Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang để nắm được các thông tin cụ thể. 

Có đúng quy trình ?

Ngày 25.6.2019, ông Phạm Văn Lương thời điểm đó là Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương (hiện là Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban kiểm tra Tỉnh uỷ Tuyên Quang) ký văn bản số 1377/UBND-GT đồng ý cho Công ty TNHH Tỉnh Đào đắp đất đá, chống sạt lở bờ sông Lô trên địa bàn xã Vân Sơn.

Tuy nhiên, việc đổ đất đá chống sạt lở tại đây không hề có các phương án đi kèm thể hiện diện tích, khối lượng, thời gian cho phép. 

Từ đó, nhờ "lá bùa" là văn bản số 1377, đất đá, phế thải xây dựng đã được công khai đổ không kiểm soát xuống lòng sông Lô trên danh nghĩa "chống sạt lở" mà không vấp phải sự kiểm tra, xử lý nào từ các cơ quan chức năng trong thời gian dài.

Được biết để thực hiện một dự án chống sạt lở bờ sông, chân đê yêu cầu một quy trình rất chặt chẽ từ đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án thực hiện, chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt từ các cấp cho thẩm quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn