MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyển sứa từ tàu vào xưởng chế biến. Ảnh: Đoàn Hưng

"Vàng trắng" trên vùng biển Cô Tô đến sớm

Đoàn Hưng LDO | 11/01/2024 18:52

Nhờ sứa, ngư dân trên vùng biển Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh hiện có thể may mắn kiếm được hơn 20 triệu đồng/ngày. Chính vì màu trắng của con sứa trên biển và giá trị kinh tế cao cho mỗi ngư dân, người lao động nên người dân gọi sứa là “vàng trắng” của biển.

Ông Lê Bá Tùng - chủ một xưởng sứa tại thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô - cho biết: Năm nay đã có tàu đạt kỷ lục về số lượng sứa qua 1 chuyến đánh bắt (trong vòng 1 ngày) - đạt hơn 2.000 con sứa. Với giá 12.000 đồng/ con, 1 chuyến đi biển thu về hơn 20 triệu đồng.
Mùa sứa Cô Tô thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm. Vụ sứa năm nay đến sớm hơn mọi năm 1 tháng. Từ những ngày cuối năm 2023, hoạt động đánh bắt chế biến sứa đã hoạt động trở lại.
Huyện Cô Tô có 11 xưởng chế biến sứa tại thị trấn Cô Tô, xã Thanh Lân. Những ngày này, các xưởng chế biến sứa đang rất nhộn nhịp. Khi vào vụ cao điểm sẽ có hơn 10.000 người tham gia các công đoạn chế biến sứa.
Chế biến sứa là công việc mới bắt đầu từ những năm 2010 khi thương lái nước ngoài đặt mua sản phẩm sứa ướp muối.
Để có sản phẩm sứa ướp muối, công nhân sẽ phân loại sứa theo bộ phận của con sứa.
Sau đó cho vào bể quay hết nhớt và ướp muối.
Ông Lê Bá Tùng cho biết thêm: “Tại xưởng của gia đình có gần 40 người đang làm. Đối với lao động tỉnh ngoài, để họ yên tâm ra đảo công tác vào thời điểm cận Tết thế này, xưởng trả 10 – 12 triệu đồng/ tháng, bao ăn. Đối với lao động địa phương, có kỹ thuật sơ chế, phân loại, xưởng trả 70.000 đồng/ tiếng”.
Bên cạnh tàu vớt sứa của Cô Tô còn có các tàu từ Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Theo thông tin từ UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, sản lượng chế biến sứa biển liên vụ năm 2022-2023 ước đạt 220.000 thùng, doanh thu ước đạt 44 tỉ đồng. Huyện Cô Tô cũng đã ban hành Nghị quyết về việc phê duyệt danh mục sản phẩm lợi thế huyện Cô Tô từ năm 2020 đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện sản phẩm sứa ăn liền đã hoàn thiện nhãn mác, bao bì và ý tưởng sản phẩm để trình Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh xem xét, phê duyệt đưa vào Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn