MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không gian trưng bày hàng trăm cổ vật tại Bảo tàng Hải Phòng. Ảnh: Mai Dung

Về Bảo tàng Hải Phòng ngắm những cổ vật mang hình tượng rồng

Mai Dung LDO | 12/02/2024 09:00

Rồng là biểu tượng của sự cao quý, của sức sống vĩnh hằng và sức mạnh vũ trụ nên hình tượng rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đình chùa… Tại Bảo tàng Hải Phòng hiện còn lưu trữ rất nhiều cổ vật lấy rồng làm hình tượng trang trí chủ đạo. Trong đó, có những cổ vật hàng nghìn năm tuổi.

Bảo tàng Hải Phòng hiện lưu trữ, trưng bày cố định khoảng 300 hiện vật qua các thời kỳ, từ thời Tiền Lê, thời Lý, thời Trần, thời Lê, thời Mạc, thời Nguyễn... Sự đa dạng loại hình và độc đáo của từng hiện vật thể hiện sâu sắc, rõ nét nền văn hóa Việt Nam. Trong số cổ vật trưng bày tại đây, hình tượng rồng xuất hiện phổ biến với đa dạng sắc thái, thể hiện bàn tay tài ba của những người thợ xưa.
Một cổ vật có niên đại gần 1.000 năm tuổi là mảnh tháp thờ Phật chạm rồng thời Lý (1058). Hiện vật thuộc di tích tháp Tường Long (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng.
Đầu máng xối nước hình rồng làm từ đất nung cũng là hiện vật từ thời Lý năm 1058.
Chân đèn làm từ gốm men trắng là hiện vật thời Trần - thế kỷ 13-14. Chân đèn được trang trí hình rồng cưỡi mây uốn lượn.
Chân đá tảng chạm rồng, sen (thời Mạc, thế kỷ 16).
Rồng được khắc trên đá tảng với đường nét tinh xảo.
Mảng chạm Long Phượng thời Lê thế kỷ 16-17 là một trong hiện vật lấy hình tượng rồng làm chủ đạo.
Rồng được chạm công phu, đường nét mềm mại, sắc sảo, thể hiện tinh hoa văn hoá của thời đại bấy giờ.
Rồng và hổ là những hình tượng linh thiêng trong văn hóa Việt Nam và một số nước châu Á. Hổ là động vật có thật và gần như là duy nhất được sánh đôi với rồng - một loài vật hư cấu tượng trưng cho quyền năng của tự nhiên. Bức chạm “Long hổ hội” có niên đại thế kỷ 17 hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng thể hiện mong muốn đỗ đạt cao bởi Rồng tượng trưng cho Tiến sĩ, hổ tượng trưng cho cử nhân. Long hổ sum vầy tức là mong muốn con cháu sẽ đỗ đạt cao.
Thanh long đao từ thế kỷ 18. Các hiện vật có bề dày về thời gian mang dấu ấn của lịch sử, đời sống xã hội, minh chứng người Việt Nam từ xa xưa đã sáng tạo, kế thừa tinh hoa của các nền văn minh, tiếp thu chọn lọc yếu tố văn hóa ngoại sinh để phát triển, đạt thành tựu ở mọi lĩnh vực, khẳng định bản sắc một quốc gia độc lập, văn hiến.
Đồ thờ làm từ chất liệu gốm, hoa văn rồng xanh cưỡi mây, đạp sóng đẹp đẽ, tinh xảo. Đây là cổ vật có từ thời Nguyễn thế kỷ 19.
Ngoài những cổ vật hình tượng rồng trưng bày phía trong Bảo tàng Hải Phòng, phía bên ngoài sân bảo tàng hiện đang trưng bày Rồng đá từ thời Lê, thế kỷ 17-18.
Ngoài những hiện vật nêu trên, Bảo tàng Hải Phòng hiện trưng bày hàng trăm cổ vật độc đáo. Để phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu, dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn, Bảo tàng Hải Phòng mở cửa đón khách từ mùng 2 Tết (11.2).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn