MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Về Nam Định ngắm nhà mái bổi tìm lại tuổi thơ xưa. Ảnh: Lương Hà

Về Nam Định ngắm nhà mái bổi tìm lại tuổi thơ xưa

Lương Hà LDO | 16/04/2023 11:15

Nằm khiêm tốn giữa những ngôi nhà mái bằng, mái ngói sừng sững, những ngôi nhà lợp mái bổi (hay còn gọi là mái cói) ở huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) mang một nét gần gũi, giản dị nhưng cũng hết sức độc đáo, gợi nhớ tới khung cảnh làng quê Việt Nam xưa.

Những ngôi nhà mái bổi tại huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) không chỉ là nét văn hóa truyền thống mà còn là sản phẩm du lịch mang tính riêng biệt, nếu được khai thác tốt sẽ trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. 
Đây là ngôi nhà mái bổi của gia đình ông Đinh Văn Ất (xóm 1 - khu dân cư Nam Điền, xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng) được bố mẹ ông xây dựng từ năm 1950 và lưu giữ đến tận bây giờ.  
“Sử dụng một phần của cây cói để lợp nhà vì cây cói có các ưu điểm, thân xốp, chứa không khí bên trong nên có khả năng cách nhiệt tốt. Hơn nữa bề mặt cây bóng, trơn khi mưa mái nhà sẽ không bị ngấm và đọng nước. Với người dân miền biển chúng tôi, lợp nhà bằng cói còn giúp ngôi nhà mát về mùa hè, ấm áp mùa đông” - ông Ất nói.
Cùng nằm trong xóm 1 - khu dân cư Nam Điền, (xã Nghĩa Lợi), ngôi nhà rộng trên 50 m2 của gia đình ông Ngô Gia Thoáng vẫn giữ nguyên "câu đầu long cốt" (hay còn gọi là thanh đòn đỡ phần chóp mái) ghi rõ ngày xây dựng 12.1.1978.
 Mái nhà được ông Thoáng lợp bổi khá dày, trong đó phần nóc dày tới 1 m, 2 bên mái dày trên 50 cm, khối lượng bổi nặng tới 15 - 20 tấn.
Để “đỡ” phần mái bổi nặng, các gia chủ đều thiết kế hệ thống các đòn tay, dui, mè bằng luồng chắc chắn, dây buộc bằng mây. Được thiết kế hợp lý, vì vậy, trải qua vài chục năm, lại nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão, gió nhưng những ngôi nhà mái bổi trên vẫn rất vững chãi, chắc chắn. 
Bổi được dùng làm mái là một phần thân to, ngắn của cây cói, sau đó cắt, phơi khô sử dụng.
Tuy nhiên, để “bảo quản” nhà, người dân còn thường xuyên cạo sạch lớp mùn, đất, cát trên mái, phòng, chống chuột cắn và ẩm mốc dẫn đến mối mọt.
“Ngày nay lợp được nhà mái bổi đẹp, hoàn chỉnh như xưa cần phải có tính toán thật kĩ. Bởi trước đây chúng tôi có thể dễ dàng mua nguyên liệu cói ở một số nông trường trong tỉnh thì hiện nay phải vào tận Thanh Hóa mới mua được cói. Nên, tôi thấy để lợp đủ 5 gian nhà mái bổi mới hiện nay thì “đắt” gấp 2 - 3 lần so với lợp ngói. Chưa kể việc thuê thợ lợp mái bổi cũng hết sức khó khăn, do những người thợ biết lợp bổi lành nghề ngày càng ít, những người còn lại cũng đã 65, 70 tuổi rồi, trèo mái làm sao được nữa” - ông Thoáng cho hay.
 Ngoài ra, để bảo vệ cho mái bổi trước mùa mưa bão, người dân nơi đây còn sử dụng lưới tấm to để căng giữ mái.
 Là một trong những người thợ lợp bổi suốt 40 năm, ông Nguyễn Văn Việt (xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng) cũng giữ lại ngôi nhà kỷ niệm gắn bó với cả gia đình ông gần 45 năm.
“Ngày trước, khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, ở xã tôi hầu như đều là nhà lợp mái rạ và mái bổi. Cũng vì thế, nhà mái bổi gắn bó với người dân miền ven biển tôi từ xa xưa đến nay" - ông Việt chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn