MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Về những nơi sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm ở Cần Thơ

Tạ Quang LDO | 13/03/2024 06:30

Cần Thơ – Nhiều điểm bị sạt lở ở địa bàn Cần Thơ đang được ngành chức năng nhanh chóng khắc phục giúp người dân lưu thông thuận tiện.

Theo thống kê, trong năm 2023 trên địa bàn TP Cần Thơ có 41 điểm sạt lở lớn, nhỏ khác nhau, trong đó có 20 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Chi cục Thủy lợi Cần Thơ đã phối hợp các sở, ngành và UBND các địa phương khảo sát cụ thể và tham mưu TP ban hành 17 lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.
Đến nay, có 12/17 điểm sạt lở đã được tổng nghiệm thu đưa vào sử dụng. Các điểm sạt lở lớn còn lại, đang được triển khai thực hiện và sẽ rút ngắn tối đa thời gian để hoàn thành sớm nhất, đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Ghi nhận của phóng viên ngày 12.3, nhiều điểm sạt lở dọc sông Ô Môn đã được khắc phục và mở rộng.
Việc nhanh chóng khắc phục sạt lở đã giúp người dân và doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang – công tác tại Trường mầm non Thới Thạnh (xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai) – cho biết, trong thời gian bị sạt lở, phụ huynh đưa đón rất khó khăn. Thậm chí, có những bé bố, mẹ phải cho nghỉ học vì nguy hiểm. Theo chị Trang, việc nhanh chóng xây dựng lại bờ kè đã giúp cho người dân lưu thông thuận tiện cũng như việc đưa đón các em học sinh.
Bên cạnh đó, dọc con sông này vẫn còn rất nhiều điểm có nguy cơ sạt lở.
Tại bờ sông Bến Bạ (phường Tân Phú, quận Cái Răng) - vụ sạt lở xảy ra vào rạng sáng 18.7.2023 không chỉ gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến giao thông mà hơn thế nó còn để lại nhiều sự hoang mang, lo lắng trong lòng người dân trước những nguy cơ tiềm ẩn.
Đến nay, ngành chức năng mới đóng cừ gia cố xung quanh.
Có những điểm sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu khắc phục.
Trong những lần đi thị sát các điểm sạt lở, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu luôn nhấn mạnh, các công trình xây dựng kè chống sạt lở cần chú ý xây dựng hệ thống giao thông theo kè phải rộng thoáng, đảm bảo các phương tiện lưu thông thông suốt, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát, vận động người dân không xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông thuỷ, xây dựng lấn chiếm bờ sông, dòng sông. Đối với các công trình đang xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư, địa phương thụ hưởng tăng cường giám sát, kiểm tra để các công trình xây dựng đảm bảo chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn