MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Về nơi gói hơn 5.000 bánh chưng mỗi ngày, bếp đỏ lửa xuyên đêm

Tô Công LDO | 06/02/2024 17:15

Phú Thọ - Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2024, Hợp tác xã nông thương Đất Tổ tại xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê cung cấp ra thị trường hàng nghìn chiếc bánh chưng mỗi ngày.

Nằm ở phía hữu ngạn sông Thao, ven những cánh đồng rộng lớn của xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê, có một nơi nổi tiếng với nghề gói nấu bánh chưng. Cứ đến dịp Tết đến, xuân về, người ta lại thấy những chiếc xe thùng ra vào một con ngõ nhỏ ven Quốc lộ 32C để chở những chiếc bánh chưng đi khắp mọi miền đất nước. Ảnh: Tô Công.
Tại đây, có Hợp tác xã nông thương Đất Tổ là nơi tiên phong gìn giữ và phát triển làng nghề gói nấu bánh chưng, với thương hiệu Bánh chưng Đất Tổ nức tiếng gần xa. Vừa qua, nghề nấu gói bánh chưng cùng bánh giày ở Phú Thọ đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Tô Công.
Đến Hợp tác xã nông thương Đất Tổ vào một buổi chiều cuối năm, phóng viên Báo Lao Động tìm gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Ảnh - người đã có trên 20 năm làm nghề nấu gói bánh chưng, chủ của cơ sở nấu gói bánh chưng tại khu Phú Cát, xã Hùng Việt. Ảnh: Tô Công.
Theo bà Ảnh, để làm 1 chiếc bánh chưng ngon quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu, tất cả các thành phần làm nên chiếc bánh đều được lựa chọn rất khắt khe, tỉ mỉ. Cùng với đó, khi gói bánh phải cho tỉ lệ các nguyên liệu hợp lý, cộng với bàn tay tài hoa của người nghệ nhân sẽ làm ra được một chiếc bánh chưng chuẩn vị và đẹp mắt. Ảnh: Tô Công.
“Lá dong gói bánh là lá dong nếp, gạo nếp cái hoa vàng phải đáp ứng được yêu cầu về độ dẻo và độ đồng đều, đỗ xanh và thịt ba chỉ cũng phải chọn loại tốt nhất và chế biến cẩn thận. Cùng với đó, bánh chưng không được sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản” - bà Ảnh chia sẻ. Ảnh: Tô Công.
Tháng trước Tết, với khoảng 5.000 đến 6.000 chiếc bánh chưng được tung ra thị trường mỗi ngày, cơ sở của nghệ nhân Nguyễn Thị Ảnh đang tạo việc làm cho gần 30 lao động địa phương. Ảnh: Tô Công.
“Các nồi nấu bánh chưng những ngày này luôn “đỏ lửa” cả ngày lẫn đêm, các thành viên của cơ sở đều ăn ở tại đây, mức lương từ 700 đến 800 ngàn đồng/ngày” - bà Ảnh nói. Ảnh: Tô Công.
Cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, các nghệ nhân của Hợp tác xã nông thương Đất Tổ tại khu Phú Cát, xã Hùng Việt lại đại diện cho huyện Cẩm Khê tham gia cuộc thi nấu gói bánh chưng dâng lên Vua Hùng. Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, huyện Cẩm Khê đã rất nhiều lần giành giải nhất cuộc thi này. Ảnh: Tô Công.
Những chiếc bánh chưng Đất Tổ gói ghém cả một chiều dài lịch sử, dưới bàn tay các nghệ nhân tái hiện hoàn hảo truyền thuyết hoàng tử Lang Liêu gói bánh dâng Vua được trao ngôi báu. Với sự uy tín đã được công nhận, Hợp tác xã nông thương Đất Tổ đã góp phần lớn gìn giữ và phát triển nghề nấu gói bánh chưng - một trong các Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Ảnh: Tô Công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn