MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rơm ở miền Tây giờ trở nên có giá trị trong phát triển kinh tế.

Về nơi nông dân trồng lúa lấy rơm để thoát nghèo

PHƯƠNG ANH LDO | 22/09/2023 08:09

Trước đây ở miền Tây khi sản xuất lúa xong, rơm thường được nhà nông bỏ đi hoặc đốt ngay trên đồng, điều này vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Vài năm trở lại đây rơm lại trở nên có giá trị khi mang đến nhiều lợi ích thiết thực. Cũng nhờ rơm mà nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ tận dụng nguồn phụ phẩm rơm rạ trong sản xuất lúa để trồng nấm rơm, nhiều hộ nông dân ở miền Tây đã có điều kiện nâng cao thu nhập cho gia đình mình.
Cứ sau vụ lúa, anh Cù Minh Trí ở xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) mua rơm để trồng nấm. Vụ năm nay anh trồng được 80 dòng nấm, mỗi ngày thu hoạch khoảng 50kg nấm, bán với giá 40.000 đồng, thu nhập 2 triệu đồng.
Anh Trí cho biết: "Trồng nấm chỉ tốn tiền mua rơm, phôi nấm còn lại chủ yếu do rơm phân hủy tạo chất dinh dưỡng để nấm phát triển nên chi phí đầu tư tương đối ít. Từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 1 tháng là có nấm. Sau đó là hái mỗi ngày, kéo dài khoảng 15 - 20 ngày mới kết thúc. Tính ra 1 vụ thu nhập khoảng 15 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nếu hộ nào có sẵn rơm nhà thì lợi nhuận sẽ còn cao hơn nữa".
Ngoài dùng để trồng nấm, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng còn tiết kiệm được một khoảng chi phí khi dùng rơm làm thức ăn cho trâu, bò. Như ông Hồ Minh Liệt (xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa là ông thuê máy cuộn rơm. Theo ông Liệt, rơm có giá trị dinh dưỡng cao, bò ăn dễ tiêu hóa, rơm còn dự trữ được lâu để dành vào những tháng mùa hạn khi cỏ ngoài đồng không còn xanh tốt.
Tại vùng chuyên canh màu xã Đại Tâm, Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) rơm còn được bà con dùng để phủ đất canh tác rau màu vừa giúp hạn chế xói mòn do mưa hay nước tưới, giảm nhiệt độ mặt đất, tăng độ hấp thu nước.
Ngoài ra còn làm giảm cỏ dại, tăng hiệu quả phân bón, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển,...
Lúa sau khi tuốt sạch hạt, rơm sẽ là được người dân Đại Tâm mang về trữ để phục vụ trồng rau màu.
Ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) bà con ở đây trồng lúa nhưng cốt là lấy rơm để phủ đất trồng hành tím. Vì vậy lúa ở đây vẫn được canh tác theo hướng truyền thống, khâu thu hoạch hoàn toàn bằng thủ công. Lúa được cắt đến tận gốc sau đó đập trên bồ để lấy hạt. Rơm được bó lại cận thẩn rồi chất đống kỹ càng.
Người dân thị xã Vĩnh Châu vẫn tuốt lúa bằng bồ để giữ nguyên sợi rơm.
Từ lâu bà con Vĩnh Châu xem sợi rơm vàng sánh ngang hạt lúa. Bởi sau vụ lúa, đất sẽ được cày xới, lên liếp rồi trồng màu. Rơm được phủ lên gốc cây như một tấm áo che mưa che nắng cho hành tím.
Khi rơm trở nên có giá trị, nhiều hộ dân còn đầu tư cả máy cuốn để làm dịch vụ, hoặc thu mua rơm rồi bán lại cho những ai có nhu cầu. Cũng nhờ nghề cuốn rơm mà ông Lâm Se ở Phường 5, thành phố Sóc Trăng đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vừa làm dịch vụ cuốn rơm cho nông dân, vừa thu mua rơm tích trữ để bán. Ông Se tính toán, với 6 máy cuốn vào mùa thu hoạch mỗi ngày ông thu về từ 2.000 - 3.000 cuộn rơm. Trừ mọi chi phí, ông thu lợi nhuận 20 triệu đồng.
Cũng nhờ rơm mà nghề làm chổi rơm truyền thống được bà Nguyễn Thị Gái ở xã Phú Tâm (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) lưu giữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn