MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tọa lạc giữa làng quê thanh bình, rừng lộc vừng (hay người dân vẫn thường gọi là cây mưng) tại Phú Thọ hiện có hàng trăm cây to lớn như cây cổ thụ.

Vẻ thơ mộng của rừng lộc vừng 400 năm tuổi

PHI LONG - ĐỨC TUẤN LDO | 05/06/2022 06:00

QUẢNG BÌNH - Làng Phú Thọ (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) từ lâu đã nổi tiếng với rừng lộc vừng hàng trăm năm tuổi, làm say đắm bao người bởi vẻ đẹp thơ mộng mỗi khi vào mùa hoa nở.

Không ai biết chính xác độ tuổi của cánh rừng lộc vừng này, tuy nhiên theo lời nhiều bậc cao niên trong làng, thì cánh rừng này có tuổi đời khoảng trên 400 năm. Nơi đây cũng từng là điểm trú quân của quân đội bởi sự lầy lội và um tùm của cánh rừng này.
Ông Châu Văn Mạnh (87 tuổi, trú tại làng Phú Thọ, xã An Thủy) cho hay, “Hồi tôi còn nhỏ là rừng lộc vừng này cao to lắm rồi, nghe kể lại thì cũng tầm 400 năm tuổi. Trong làng giờ còn khoảng vài trăm cây, lúc trước nhiều lắm, trải dài từ đầu làng đến cuối làng, đến nay thì gãy và chết do bão lũ cũng khá nhiều rồi” - ông Mạnh chia sẻ.
Ngày nay, tại làng vẫn còn rất nhiều cây lộc vừng to lớn, với gốc cây rộng 1 người trưởng thành ôm không xuể, có những cây cao gần 10 m, tán cây rộng từ 7-10 m.
Nhiều cây với dáng cổ thụ độc lạ, rất được dân chơi cây cảnh ưa thích. Theo nhiều người dân, không ít lần các dân chơi cây cảnh tìm đến hỏi mua với giá lên đến hàng tỉ đồng, nhưng cả người dân và chính quyền đều lắc đầu không bán.
Rừng lộc vừng như lá phổi xanh của cả làng, là nơi để đám trẻ tụ tập chơi đùa, người lớn thì ngồi dưới cây hóng mát, tâm sự, nên mỗi người dân trong làng ai cũng tự hào về cánh rừng lộc vừng độc đáo này.
Theo người dân, mỗi năm rừng lộc vừng này sẽ có 2 mùa nở hoa, mỗi lần nở thì như nhuộm đỏ cả một vùng trời, thu hút rất đông người đến đây để chụp ảnh và ngắm hoa.
Do nạn trộm cắp cây cảnh, khoảng 5 năm trở lại đây, chính quyền xã đã giao cho Hội Cựu chiến binh của làng quản lý, trông coi cánh rừng lộc vừng này.
Ông Lê Văn Quyết - Chủ tịch UBND xã An Thủy cho biết, cánh rừng lộc vừng này có tuổi đời đã lâu và đang được chính quyền lẫn người dân quản lý, bảo vệ. Dù độc đáo là vậy, tuy nhiên khu vực này rất khó để phát triển theo hướng du lịch, bởi ở đây thường xảy ra lũ lụt và số lượng cây lộc vừng cũng đã giảm khá nhiều theo thời gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn