MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Làng trầu Vị Thủy "vựa" trầu lớn nhất miền Tây

Về vương quốc trầu lớn nhất miền Tây

PHƯƠNG ANH LDO | 14/10/2023 07:30

Huyện Vị Thủy (Hậu Giang) được xem là nơi trồng trầu lớn nhất ở Miền Tây. Trầu ở đây không chỉ là vật se duyên đôi lứa mà còn là câu chuyện về kinh tế, nhiều hộ trồng trầu có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giả vừa góp phần bảo tồn nét đặc trưng văn hóa truyền thống quê hương.

Ngày nay “Hoa cau vườn trầu” có lẽ chỉ còn trong thơ ca nhưng ở xã Vị Thủy, Vị Thuận Tây (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) những vườn trầu xanh mướt vẫn cứ vươn mình trong nắng mang đậm hồn quê.
Theo nhiều bậc cao niên ở đây cho biết, trầu được trồng cách đây hơn 50 năm. Trước chủ yếu để phục vụ cho tục “ăn trầu” của nhiều người lớn tuổi hoặc dùng cho đám hỏi, cưới. Sau này, lá trầu được xuất khẩu sang một số nước như Đài Loan, Trung Quốc nên nghề trồng trầu ở Vị Thủy bắt đầu phát triển mạnh.
Hiện nay toàn huyện Vị Thủy có gần 40ha trồng trầu - được xem là “vựa” trầu lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Được thiên nhiên ưu đãi, nhất là nước ngọt ven sông Hậu, nên trầu Vị Thủy luôn tươi tốt, lá trầu to có màu vàng, hương vị cay nồng được nhiều người yêu thích.
Chị Nguyễn Thị Mai - một hộ trồng trầu ở Vị Thủy (Hậu Giang) - cho biết: “Dây trầu rất dễ sống, khi trồng chỉ cần lên liếp đắp rơm rạ để đất ẩm có độ tơi xốp. Dây trầu quá dài thì cắt ngọn ghim xuống đất lại có thêm dây mới. Cứ 1.000m2 đất trồng được 1.000 nọc trầu (trụ để dây trầu bám leo lên). Nọc trầu làm bằng cây tràm, vì thân tràm giúp trầu bám rễ, phát triển tốt”.
Thời gian qua, dây trầu đã giúp rất nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên khá giả, nhiều hộ dân có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang, cho con cái ăn học đàng hoàng.
Ông Nguyễn Thanh Kiệt - một hộ trồng trầu ở Vị Thủy - cho biết: Trầu từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 3-4 tháng. Sau đó cứ 1 tháng là hái 3 đợt trầu. Nếu 1.000m2, 10 ngày hái 1 lần được khoảng 5.000 ốp (mỗi ốp 40 lá trầu) bán với giá 5.500 - 6.000 đồng/ốp, thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng khoảng 9 triệu đồng. Với những tháng Tết thì tăng đến 11.000 - 15.000 đồng/ốp.
Không chỉ giúp nhiều hộ trồng trầu có kinh tế khấm khá mà nhiều lao động nông nhàn ở địa phương cũng có việc làm ổn định từ nghề trồng, chăm sóc, hái lá trầu thuê. Từ 20 tuổi chị Nguyễn Thị Gấm ở xã Vị Thủy đã đi hái trầu thuê cho nhiều người trồng làng trầu, đến nay cũng gần 30 năm. Với công việc này mỗi ngày có thu nhập khoảng 120.000 đồng.
Trầu sau khi hái sẽ được liễn trầu (xếp trầu thành từng ốp) gọn gàng, sau đó giao cho thương lái.
Tại huyện Vị Thủy có khoảng chục vựa thu mua trầu. Mỗi ngày thương lái sẽ đến thu gom và mang đi tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh, xuất sang Campuchia, Đài Loan, Trung Quốc.
Năm 2020, tỉnh Hậu Giang đã công nhận nghề trồng trầu đạt chuẩn nghề truyền thống. Và thành lập Hợp tác xã Trầu Vàng Vị Thủy có 22 thành viên với diện tích khoảng 16ha.
Địa phương cũng làm đề án phát triển làng nghề trồng trầu Vị Thủy gắn với phát triển du lịch cộng đồng hứa hẹn sẽ hấp dẫn du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn