MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vị trí dự kiến xây dựng cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn (nối Quận 1 và TP Thủ Đức) nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Ảnh: Hữu Chánh

Vị trí dự kiến xây dựng cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn

HỮU CHÁNH LDO | 12/10/2023 13:59

Cầu đi bộ có vị trí xây dựng ở giữa cầu Ba Son và hầm sông Sài Gòn, khi hoàn thành được kỳ vọng tăng kết nối giữa đôi bờ sông, thu hút người dân đi bộ ngắm cảnh quan.

Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn dự kiến dài hơn 500 m, vượt sông Sài Gòn kết nối trung tâm TPHCM hiện hữu với khu đô thị Thủ Thiêm vừa được UBND TPHCM phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc. Đường kẻ đỏ trong ảnh là vị trí dự kiến xây dựng cầu đi bộ nhìn từ phía Quận 1. Kế đó là cầu Ba Son, mới đưa vào khai thác hơn một năm nay.
Vị trí xây dựng cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Công trình hoàn thành chỉ dành cho người đi bộ, phương tiện hỗ trợ người khuyết tật…; cấm các hình thức buôn bán, kinh doanh.
Đầu cầu phía Quận 1 nằm trong khu vực Công viên bến Bạch Đằng và gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Công viên bến Bạch Đằng đã thay đổi diện mạo sau khi được cải tạo từ đầu năm 2022, thu hút rất đông người dân và du khách đến đây.
Bên phía Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), chân cầu dự kiến nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A - phía nam Quảng trường trung tâm tại khu đô thị này.
Phần lớn bờ sông đối diện Quận 1 chưa có nhiều công trình, một số đoạn chưa xây kè, lắp lan can, cây cỏ mọc hoang dại, rác thải...
Trục chính dọc theo gần một km bờ sông vẫn là đường mòn rộng khoảng 8 m, rải sỏi, một số đoạn đường đất. Theo quy hoạch, khu vực này sẽ hình thành tuyến đường ven sông Sài Gòn dài 3 km, rộng hơn 28 m cho hai làn xe chạy.
Để người dân dễ dàng tiếp cận cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn, một cầu bộ hành sẽ được xây dựng băng qua đường Tôn Đức Thắng, dự kiến tại vị trí đường Nguyễn Huệ kết nối Công viên bến Bạch Đằng. Đồng thời, bãi đậu xe máy được bố trí tại vị trí ga tàu cao tốc bến Bạch Đằng và phía Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo phương án do Liên danh Chodai Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam thiết kế được UBND TPHCM tuyển chọn, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có hình tượng lá dừa nước và màu trắng chủ đạo để nhấn mạnh tính biểu tượng của cây cầu, tạo sức hút thị giác dưới ánh nắng mặt trời vào ban ngày. Khi chiếu sáng vào ban đêm, màu trắng của cầu đi bộ sẽ là nền cho việc chiếu sáng nghệ thuật chuẩn nhất. Ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM
Phương án thiết kế này tối ưu hệ thống cột dưới lòng sông và đưa hệ cột về gần bờ tạo tĩnh không dưới nước lớn, tránh va đập tốt. Đồng thời, giải quyết các hệ cột trên mặt cầu do có khoảng vượt lớn, nên tầm nhìn người đi bộ trên cầu thông thoáng. Thác nước tuần hoàn rất phù hợp với thiết kế quảng trường trung tâm Thủ Thiêm... Ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM
Đơn vị thiết kế đề xuất khi hoàn thành, ban ngày thành phố có thể tổ chức các lễ hội âm nhạc, nghệ thuật...; ban đêm cho hoạt động rạp chiếu bóng ngoài trời, trình chiếu nhạc nước, chiếu sáng 3D...
Trong phần việc tiếp theo, lãnh đạo TPHCM yêu cầu các phương án cần bám sát nội dung thiết kế, kết nối phù hợp với khu vực xung quanh. Các công đoạn thiết kế chi tiết cần tuân thủ và làm rõ hình dáng theo ý tưởng của phương án được chọn. Chính quyền hành phố đặt mục tiêu khởi công cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn vào dịp 30.4.2025 để chào mừng kỷ niệm 50 ngày thống nhất đất nước. Công trình hoàn thành kỳ vọng thành biểu tượng kiến trúc mới ở TPHCM.
Hiện nay, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với các địa phương khác có cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son và đường hầm vượt sông Sài Gòn hay còn gọi hầm Thủ Thiêm. Theo quy hoạch, TPHCM đang chuẩn bị các thủ tục để triển khai thêm cầu Thủ Thiêm 3, cầu Thủ Thiêm 4 và cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn