MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vỉa hè chuẩn bị cho thuê ở TPHCM, nhiều nơi xuống cấp, bị lấn chiếm

Phương Ngân - Anh Tú LDO | 28/12/2023 16:41

TPHCM - Gần 900 tuyến đường sẽ được phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường làm điểm giữ xe, kinh doanh... có thu phí từ ngày 1.1.2024. Hiện một số nơi đã được kẻ vạch, trong khi đó, một số tuyến đường có vỉa hè đang xuống cấp.

Từ 1.1.2024, TPHCM áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố. Theo đó, có 6 trường hợp được tạm dùng vỉa hè và đóng phí, gồm: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe; tổ chức hoạt động văn hóa; điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng, lắp đặt các công trình tạm; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.
Vỉa hè, lòng đường được chia làm 5 khu vực - tương ứng với giá đất bình quân tại khu vực đó để tính giá cho thuê, các tuyến đường ở trung tâm cao hơn ngoại thành. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2/tháng.
Ghi nhận ngày 28.12, vỉa hè tại một số tuyến đường ở Quận 1 như đường Nguyễn Trãi, đường Trần Hưng Đạo,... được kẻ vạch một bên rộng khoảng 1,5 m để các cửa hàng kinh doanh bố trí tạm nơi để xe máy tự quản, phần vỉa hè còn lại dành cho người đi bộ.
Đường Trần Hưng Đạo (Quận 1) hiện đã kẻ vạch trên vỉa hè, đây là một trong những tuyến đường trung tâm - khu vực 1, với mức thu phí vỉa hè từ 100.000 - 350.000 đồng/m2/tháng, tùy vào hoạt động.
Nhiều phương tiện để trên vỉa hè đường Mạc Thị Bưởi (Quận 1), thu hẹp lối đi bộ của người dân.
Đường Lê Lợi là một trong những tuyến đường có giá đất đắt đỏ nhất ở trung tâm TPHCM, đây cũng là một trong nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố có vỉa hè rộng, sạch đẹp. Mới đây, tuyến đường này được trồng cây me Tây để phủ bóng mát.
Bên cạnh một số tuyến đường có vỉa hè sạch đẹp, còn một số tuyến đường ở trung tâm thành phố có vỉa hè bị xuống cấp. Đơn cử tại đường Cách Mạng Tháng Tám, một số đoạn bị bong tróc, hư hỏng, chưa được cải tạo.
Vỉa hè tại đường Võ Thị Sáu (Quận 1) cũng trong tình trạng hư hỏng.
Ghi nhận tại khu vực 2, đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), vỉa hè một số đoạn hư hỏng, các phương tiện và hoạt động buôn bán kín vỉa hè.
Đường Chu Văn An (đoạn từ ngã 5 Bình Hòa đến cầu Chu Văn An) - khu vực 2, có mức thu phí từ 30.000 - 70.000 đồng/m2/tháng.
Đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), vỉa hè hẹp hơn nhiều tuyến đường khác trong khu vực. Các hoạt động kinh doanh, buôn bán diễn ra trên vỉa hè, đa phần người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Theo Sở GTVT TPHCM, điều kiện sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, hè phố có bề rộng từ 3m trở lên. Khi tổ chức hoạt động này, hè phố còn lại dành cho người đi bộ bảo đảm rộng tối thiểu 1,5 m (không tính đến phạm vi bồn gốc cây, ô đất trồng cây xanh và khu vực bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên hè phố chiếm dụng), thông suốt liên tục và không có chướng ngại vật cản trở.

Khu vực 1 gồm: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, quận Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có 207 tuyến.

Khu vực 2 gồm: Quận 2 - nay thuộc thành phố Thủ Đức (trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), Quận 6, 7 (trừ Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố), Quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân), có 277 tuyến.

Khu vực 3 gồm: Quận 8, Quận 9 cũ, Quận 12, quận Thủ Đức cũ, Tân Phú, Gò Vấp, có 248 tuyến.

Khu vực 4 gồm: huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi có 125 tuyến.

Khu vực 5: Huyện Cần Giờ có 11 tuyến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn