MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu (Quận 1) bị chiếm dụng để xe máy, người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Ảnh: Minh Quân

Vỉa hè trung tâm TPHCM vẫn bất ổn sau 10 ngày thay đổi cách quản lý

MINH QUÂN LDO | 11/01/2024 17:52

TPHCM - Từ 1.1.2024, TPHCM áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố, cho phép một số trường hợp được sử dụng và đóng phí với mức 20.000 - 350.000 đồng/m2, tùy khu vực. Tuy nhiên, nhiều đoạn vỉa hè ở trung tâm TPHCM vẫn bị lấn chiếm tràn lan bởi các bãi xe tự phát, các điểm bán hàng, kinh doanh ăn uống.

Theo quy định của UBND TPHCM, mọi hoạt động phải đảm bảo chiều rộng vỉa hè tối thiểu 1,5m phục vụ cho người đi bộ. “Bỏ quên” quy định, nhiều đoạn vỉa hè ở đường Hồ Tùng Mậu (Quận 1) gần như bị “bịt kín” bởi các điểm giữ xe máy. Người đi bộ phải len lỏi giữa “rừng” xe máy trên vỉa hè.
Ghi nhận ở một số tuyến đường khu vực trung tâm TPHCM, không khó để bắt gặp cảnh người dân, du khách đi bộ phải xuống lòng đường để di chuyển vì vỉa hè đã bị “nuốt trọn“.
Vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (Quận 1) mới đây được Quận 1 kẻ vạch với một bên rộng khoảng 1,5 m cho các cửa hàng mặt tiền bố trí tạm nơi để xe máy tự quản. Phần vỉa hè còn lại rộng chừng 2 m là lối cho người đi bộ. Tuy nhiên, một số đoạn vẫn bị chiếm dụng hết để đặt xe bán đồ ăn, uống.
Tại Quận 1, có 84 đoạn, tuyến vỉa hè dự kiến làm điểm giữ xe máy tự quản; 54 khu vực cho kinh doanh, buôn bán; 16 tuyến được làm nơi giữ xe có thu tiền. Ông Dương Thanh Bình - Phó Phòng Quản lý đô thị Quận 1, cho biết vẫn chưa chính thức triển khai cho thuê vỉa hè, lòng đường. Các phường đang rà soát, phối hợp lấy ý kiến của người dân và các đơn vị liên quan, thông báo một số vị trí đủ điều kiện để người dân đăng ký. Trong ảnh, dù chưa chính thức cho thuê nhưng vỉa hè đường Pasteur (Quận 1) gần như bị chiếm trọn để kinh doanh.
Tại khu vực cửa Tây chợ Bến Thành, đoạn vỉa hè đường Phan Chu Trinh bị chiếm gần hết để làm bãi giữ xe máy tự phát với giá 20.000 đồng/lượt.
Vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng (Quận 1) bị quán cà phê chiếm dụng để bày bàn ghế cho khách ngồi. “Khu vực này vỉa hè bị chiếm dụng tràn lan nhưng không thấy cơ quan chức năng xử phạt triệt để. Vỉa hè vẫn lộn xộn như trước, chưa thấy có gì thay đổi từ khi áp dụng quy định mới” – ông Nguyễn Văn Thanh (56 tuổi, chạy xe ôm khu vực này) nói.
Nhiều năm qua, tình trạng mua bán, lấn chiếm vỉa hè, dưới lòng đường ở TPHCM diễn ra phổ biến, ảnh hưởng giao thông, mỹ quan đô thị. Các quận, huyện đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự, song việc này được ví như “bắt cóc bỏ đĩa“. TPHCM kỳ vọng quy định quản lý vỉa hè mới sẽ khắc phục tình trạng này.
Người dân đi bộ dưới lòng đường Nguyễn Thái Bình (Quận 1) bởi vỉa hè bị chiếm dụng để buôn bán.
Vỉa hè bị chiếm dụng để bày bán ghế buôn bán trên đường Nguyễn Thái Bình (Quận 1), du khách nước ngoài phải đi bộ ra giữa lòng đường.
Mới đây, Sở GTVT TPHCM đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện khẩn trương ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố cho phép để xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ; tiến hành rà soát, lựa chọn một số tuyến đường có lòng đường, hè phố đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông để triển khai thực hiện có lộ trình, công bố rộng rãi phạm vi, thời gian sử dụng tạm thời. Các địa phương cần xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè.
Theo đại diện Sở GTVT TPHCM, Chủ tịch UBND các quận huyện, TP Thủ Đức chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TPHCM về công tác quản lý sử dụng vỉa hè. Ban An toàn giao thông TPHCM sẽ tổ chức giám sát, theo dõi việc tổ chức triển khai thực hiện của các đơn vị trong công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố để làm cơ sở đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn