MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vườn rau Cải Mầm Đá đang phát triển tốt và bước đầu cho thu hoạch tại Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Miền.

Vườn rau tiền tỉ của chàng trai Hà Thành nơi rừng thẳm

Thanh Miền - Văn Đức LDO | 14/01/2022 07:00

Yên Bái – Vườn rau Cải mầm đá của chàng trai Hà Thành trên huyện vùng cao Mù Cang Chải đang bắt đầu cho thu hoạch những trái ngọt đầu tiên.

Cải mầm đá là loại cây rau có giá trị kinh tế, giàu dinh dưỡng với khả năng chống chịu được thời tiết lạnh, băng giá - thời tiết điển hình ở vùng cao Mù Cang Chải.
Vì thân hình sần sùi của loại rau cải mầm đá này trông giống những tảng đá nên mới tên là rau mầm đá.
Loại rau mầm đá này khi ăn sẽ mang lại cảm giác vừa giòn, vừa ngọt, vừa mềm, vô cùng ngon miệng. Đặc biệt, loại rau mầm đá này sẽ càng ngọt hơn khi thời tiết càng lạnh. Mùa sinh trưởng của loại cây rau mầm đá này thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 và tháng 3 hằng năm.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Hoàng Anh (SN 1983, hộ khẩu ở Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) cho biết, sau những lần đi cùng bạn bè lên Mù Cang Chải thấy thời tiết nơi đây phù hợp với trồng loại Cải Mầm Đá này nhưng chưa có ai làm nên đã mạnh dạn đầu tư thuê 7ha đất ruộng của bà con nơi đây để trồng thử nghiệm loại rau này, với mong muốn phát triển thành thương hiệu Cải Mầm Đá Mù Cang Chải đi khắp mọi miền tổ quốc.
Hiện với 7ha Cải Mầm Đá tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt của anh Anh đang phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Sản lượng thu hoạch của vụ đầu tiên đạt khoảng 30 tấn/ha, doanh thu khoảng 600 triệu/ ha. Hiện thị trường đã có những trường học, siêu thị trên địa bàn Sơn La và Hà Nội đặt mua với giá bán 25 - 30 ngàn đồng/ kg.
Ngoài việc phát triển kinh tế, anh Anh đào tạo và thuê bà con thôn, bản trồng, chăm sóc vườn rau của mình, vừa tăng thêm thu nhập, vừa truyền đạt kinh nghiệm, mở rộng thêm diện tích trồng rau trên địa bàn.
Trao đổi với PV, chị Giàng Thị Dê (Bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải) cho biết: “Những năm trước trồng lúa cho năng suất thấp, người dân đói nghèo, nhưng khi có hợp tác xã thuê lại đất vụ đông rồi thuê người dân trồng, chăm sóc giúp cho đời sống được nâng cao hơn”.
Nói về mô hình trồng rau mới lạ trên địa bàn, ông Thào A Phềnh – Chủ tịch xã Nậm Khắt cho biết: “Mô hình trồng rau Cải Mầm Đá tại hợp tác xã của anh Hoàng Anh giúp cho xã tìm ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần giúp cho đời sống người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế”.
Có thể thấy hiệu quả kinh tế của mô hình này bắt nguồn từ quá trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, chọn những cây có giá trị kinh tế cao và áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tăng sản lượng. Đây được coi là cách làm có hiệu quả trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao Mù Cang Chải, Yên Bái.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn