MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế LDO | 17/01/2023 09:13

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, tại các điểm bán cây cảnh của thành phố Bắc Giang, người dân thường đổ xô đi mua cây cảnh về chơi Tết, dịch vụ chở thuê cây cảnh lại tấp nập từ đây. Ảnh: Nguyễn Kế
Những ngày cận Tết, thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất. Công việc tuy có phần vất vả nhưng giúp họ kiếm tiền triệu mỗi ngày, phần nào đó vơi bớt những nhọc nhằn và có một cái Tết đủ đầy hơn. Ảnh: Nguyễn Kế
Chia sẻ với PV Báo Lao Động, anh Ngô Văn Long, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang nói: “Thay vì chạy xe ôm, chở hàng thuê như mọi khi, tôi đã ra cửa hàng cơ khí để lắp thêm thùng xe chuyển sang làm nghề “người vận chuyển” trong dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, tôi nhận chở quất thuê cho các cửa hàng bán đào, quất cây cảnh trên đường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang. Sau khi mua đào, quất, khách hàng đều có nhu cầu vận chuyển về tận nhà, mà vẫn giữ được hoa, lộc không rơi rụng, đây là thời điểm để những người lao động tự do nhưng tôi có thêm thu nhập ngày cuối năm. Mỗi ngày tôi có khoảng trên 10 chuyến xe chở hoa xuân đến các ngõ nhỏ trong thành phố và cả những huyện xa". Ảnh: Nguyễn Kế
Cùng là những lao động tự do, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh như anh Long. Anh Nguyễn Đức Hà trú tại phường Đồng Cửa, thành phố Bắc Giang chia sẻ: Công việc chở đào, quất và cây cảnh tuy có phần vất vả, nhưng đổi lại tôi có thêm một khoản thu nhập kha khá, đủ để trang trải cho một cái Tết đủ đầy hơn. Một ngày của anh Hà bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Yêu cầu lớn nhất với “người vận chuyển” là sức khỏe, thể chất tốt. Bởi nhà nhiều khách ở tận tầng 4, tầng 5, nằm sâu trong ngõ, không có thang máy, đồng nghĩa với việc, thợ phải bê cây bằng tay, không thể dùng bàn kéo trợ giúp. Thế nên, nhiều lúc, ngoài tiền công, bọn tôi còn được khách cho thêm 30.000 - 50.000 đồng tiền uống nước. Nhiều khi, bê được cây lên nhà cho khách cũng toát hết mồ hôi, loay hoay cả tiếng đồng hồ. Ảnh: Nguyễn Kế
Anh Nguyễn Văn Tuấn, phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang chia sẻ: Người vận chuyển phải chịu khó, chịu được áp lực thời gian và nhất là phải cẩn thận, tỉ mỉ. “Chở cây đào, cây quất đều phải cẩn thận. Từ lúc bê cây lên xe, cách buộc cây như thế nào để tránh gãy cành, rụng hoa. Vì chở đào, quất thường cồng kềnh, nên lúc di chuyển khó khăn hơn....”, anh Tuấn nói. Nghề chở cây cảnh thuê cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn nên những người thợ rất cẩn thận trong khâu buộc cây để đảm bảo an toàn. Ảnh: Nguyễn Kế
Anh Trần Văn Vinh, Tiểu thương bán quất và cây cảnh trên đường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang chia sẻ: Năm nay, nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng cao sau 2 năm COVID. Thời gian giáp Tết người dân thường đổ xô đi mua cây cảnh, có những người mua đến 5-6 cây một lúc nên cần thuê xe chở về nhà. Vì thế mà dịch vụ chở thuê cây cảnh lại tấp nập. Người bán, người chở cây tự liên kết với nhau và làm giá với nhau để 2 bên đều thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Kế
Trung bình mỗi ngày tôi chạy được từ 7 đến 10 chuyến, giá chở cây cảnh tùy thuộc vào quãng đường nhưng dao động từ 100 đến 300 nghìn đồng, trừ chi phí mỗi ngày cũng kiếm được trên dưới 1 triệu đồng. Anh Ngô Văn Long ngồi nghỉ ngơi, đợi khách sau khi đi giao một chuyến cây cảnh ở xa về. Ảnh: Nguyễn Kế
Do công việc thời vụ, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng lại đem lại thu nhập cao, nên lượng người làm nghề vận chuyển cây cảnh Tết ngày càng đông. Tại các chợ hoa Tết trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, có tới cả trăm người làm dịch vụ chở thuê đào quất, đa phần họ đều là những lao động tự do, xe ôm. Công việc có phần vất vả, tuy nhiên, đổi lại họ có thêm một khoản thu nhập, trang trải cho một cái Tết đủ đầy hơn. Ảnh: Nguyễn Kế

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn