MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xem người thợ săn mật ngọt hoa sú vẹt vườn quốc gia Xuân Thủy ở Nam Định. Ảnh: Lương Hà

Xem người thợ săn mật ngọt hoa sú vẹt vườn quốc gia Xuân Thủy

Lương Hà LDO | 27/06/2023 12:07

Nam Định - Từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, cây sú vẹt nở hoa thơm ngát khắp vùng cũng là lúc người nuôi ong đưa đàn ong về rừng ngập mặn tại vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy) để lấy mật.

This browser does not support the video element.

Cận cảnh lấy mật ong hoa sú vẹt. Video: Lương Hà
Nằm ở vùng ven biển của huyện Giao Thủy, Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy là một bãi bồi rộng lớn, có diện tích tự nhiên hơn 7.000 ha, có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú với cánh rừng sú, vẹt xanh rộng lớn bao quanh. Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 7, những cánh rừng sú, vẹt nở hoa thơm ngát cũng là thời điểm lý tưởng để người thợ nuôi ong tất bật với công việc, cùng đàn ong cần mẫn tạo ra những giọt mật vàng sánh, thơm ngon.
Hoa từ loại cây mọc ở ngoài biển này có mùi hương đặc trưng, không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nên mật ong hoa sú vẹt rất được ưa chuộng trên thị trường.
Một thùng đựng ong hay còn gọi là tổ ong (đàn ong) sẽ có một con ong chúa sinh sản và chỉ huy các ong thợ khác.
Đàn ong được vận chuyển ra khu vực có vườn hoa sú vẹt để ong đi hút mật rồi đưa về điểm tập kết. Thông thường từ 10 - 12 ngày, những người nuôi sẽ quay (lấy) được mật.
Trong quá trình lấy mật để đảm bảo an toàn, người thợ phải bịt kín và dùng khói để xua đuổi đàn ong. Chị Phạm Thị Phin (sinh năm 1981, xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy) cho biết: "Để mật ong đạt chất lượng tốt nhất, chúng tôi phải tiến hành làm việc từ sáng sớm giúp giảm ánh nắng mặt trời chiếu vào cầu ong. Trong quá trình làm việc, chúng tôi phải cẩn thận và bịt kín để tránh bị ong đốt".
Cầu ong (hay còn gọi là khung ong) là nơi trữ mật sau khi được người thợ lôi ra từ thùng ong sẽ mang đi quay lấy mật.
Gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật hơn 10 năm qua, năm nào đến mùa hoa sú vẹt nở, anh Nguyễn Văn Tùng (xã Giao Lạc, huyện Giao Thuỷ) cũng di chuyển đàn ong của mình về Vườn quốc gia Xuân Thủy để lấy mật. "Sú vẹt là một loại cây mọc ở ven biển, đặc tính sống là nửa nước và nửa cạn, hoa sú vẹt nở tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Nên năm nay mùa hoa sú vẹt tôi đặt 1.000 đàn ong nằm ven con đường nhỏ khu vực vùng đệm vườn quốc gia gần với nơi nhiều hoa để ong lấy mật hiệu quả nhất, như vậy sẽ ít phải cho ong ăn thêm thức bên ngoài" - anh Tùng nói.
Quá trình quay mật được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công cho ra sản phẩm mật ong nguyên chất.
Theo ông Vũ Quốc Đạt - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy, mùa hoa sú vẹt năm nay có khoảng 20 chủ nuôi ong với khoảng 8.000 đàn ong về lấy mật, cao hơn năm ngoái (2022) 20%. "Cũng vào mùa được một thời gian rồi nhưng năm nay sản lượng không cao bởi mật sú năm nay không nhiều như mọi năm. Như năm 2022, sản lượng mật ong hoa sú vẹt được khoảng 60 tấn" - ông Đạt cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn