MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xem nhóm bạn mang vi sinh vật bản địa làm gì cho Phú Quốc

NGUYÊN ANH LDO | 12/07/2020 10:30
Những hiệu quả bất ngờ của vi sinh vật bản địa (IMO) vào xử lý rác thải, nông nghiệp và nhiều vấn đề khác của môi trường đã được nhóm Nông nghiệp bền vững Phú Quốc tiến hành thực nghiệm tại huyện đảo.
Ứng dụng IMO làm phân bón nông nghiệp hiện đang thực nghiệm tại trang trại dưa lưới và trang trại rau ở thị trấn An Thới đã mang lại kết quả rất tốt.
Chất lượng sản phẩm tạo ra ngon hơn và an toàn, thân thiện môi trường.
Với giải pháp này thì người nông dân không còn phải mua hay phụ thuộc bất cứ hóa chất phân, thuốc nào mà còn được cung cấp miễn phí công thức để tự sản xuất IMO. Ngoài ra, nhóm còn nghiên cứu loại bỏ kháng sinh tồn dư trong vật nuôi, xử lý ô nhiễm chuồng trại, hiện đang thử nghiệm trên heo, cá, gà của một trang trại ở xã Cửa Cạn. Nhóm nghiên cứu gồm 4 thành viên, trong đó 1 thành viên được đào tạo căn bản về vi sinh tại Hawaii (Mỹ).
Buổi thực nghiệm của nhóm với các trường học trên địa bàn huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã minh chứng tác dụng của IMO có thể khử mùi hôi của rác thải, khi phun vào tránh được ruồi, muỗi và các loại côn trùng khác. Đặc biệt, các nhà vệ sinh, cống nước thải trong trường học được IMO phân hủy các chất hữu cơ, làm sạch và khử hết mùi hôi khó chịu mà không cần bất cứ loại hóa chất nào.
Chị Nguyễn Thanh Bình, thành viên nhóm cho biết: “Phương pháp làm IMO dễ thực hiện, tôi học và làm chỉ trong 1 tuần là có thể sử dụng vào mọi hoạt động trong gia đình”.
Khách sạn của gia đình chị Bình kinh doanh sử dụng IMO để vệ sinh, giảm được hóa chất tẩy rửa, giảm được nhiều chi phí cũng như rác thải nhựa từ chai lọ đi mua. Chị Bình đã ngâm cá, vỏ tôm, cua với IMO để tưới cây. Ngoài ra, chị Bình còn học theo công thức và chiết xuất ra 1 số loại nước uống bổ dưỡng, được khách đánh giá hương vị thơm ngon.
Mục tiêu của nhóm Nông nghiệp bền vững là muốn công nghệ này áp dụng rộng rãi cho Phú Quốc. Định hướng của nhóm là hướng tới việc canh tác và làm thế nào mang đến các sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. 59 thành viên thường xuyên tương tác thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và cách làm thực tế cho nhau qua mạng xã hội và các buổi gặp mặt hàng tuần. Trọng tâm hướng đến là chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ bền vững, bảo vệ tài nguyên đất và nước của huyện đảo.
Ngô An, thành viên đầu tiên tiếp cận với IMO đã học và mang công nghệ này cho nhóm cùng phát triển. Anh An cho biết: “Chúng tôi hướng đến tương lai xa hơn là giáo dục cho các bạn trẻ, các bé nhỏ về ý thức phân loại rác, bảo vệ môi trường không phải chỉ bằng cách nhặt rác mà còn phải ứng dụng công nghệ sạch”. Dự án phân loại rác tại nguồn và dùng IMO xử lý rác hữu cơ sau đó trồng rau sạch, phục vụ cho cộng đồng như bệnh viện, trường học cũng đang được nhóm tiến hành. Ngoài ra, Dự án thứ 2 là hỗ trợ các trường học thay đổi và chấm dứt sử dụng các loại nước tẩy rửa trong trường.
Nhóm đã thực hiện gây nuôi IMO gốc và tặng cho các trường để sử dụng mà không cần tốn tiền mua hóa chất tẩy rửa. Chỉ với 1 số nguyên liệu như: cám gạo, mật đường, sữa chua, men rượu, chuối chín, khóm, gừng, men tiêu hóa ngâm ủ trong khoảng 3, 4 ngày là cho ra IMO gốc. Sau đó, có thể pha trộn IMO gốc theo tỉ lệ tùy vào hoạt động cụ thể như phun xịt khử mùi hôi, lau nhà, tưới cây...
Anh Trần Quang Ánh (bìa phải), Chủ nhiệm nhóm Nông nghiệp bền vững Phú Quốc chia sẻ cách làm IMO cho trường mầm non An Thới (Phú Quốc). Anh Ánh mong nhân rộng việc dùng IMO giúp người dân huyện đảo có một môi trường sạch, giảm chi phí trong nông nghiệp rất nhiều bởi vi sinh có thể tự làm dễ dàng và nhân vô hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn