MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xem nông dân thu hoạch lộc trời vàng ươm, không bỏ vốn vẫn lãi

NGUYÊN ANH LDO | 29/10/2023 19:05

Bà con nông dân xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đang tất bật thu hoạch lúa chét, đây được xem là lộc trời vì không cần bỏ vốn nhưng vẫn thu về lợi nhuận khá sau gần 2 tháng cho lúa tự thân phát triển.

Lúa chét (còn gọi là lúa tái sinh) chính là tận dụng mầm mọc lên từ gốc rạ của lúa vụ trước.
Thay vì làm lúa 3 vụ thì nông dân ở xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất chỉ làm 2 vụ, để cho đất nghỉ ngơi một thời gian. Trong khoảng 2 tháng đó bà con sẽ “để chét” tức là cho lúa tự mọc ra, tự phát triển mà không dùng phân thuốc gì cho đến lúc thu hoạch.
Sản lượng lúa chét không thể sánh với lúa chính vụ nhưng lợi nhuận thu được thì không hề nhỏ. Bà con không tốn tiền phân thuốc, không tốn công chăm sóc lại được gạo sạch tự nhiên.
Anh Hồ Văn Có, nông dân xã Mỹ Lâm cho biết: Tôi làm hơn 60 công ruộng, mùa này ít nước nên để chét ăn. Bình quân mỗi công thu 1 bao (khoảng hơn 50 kg), cũng có người ra công chăm sóc một chút thì thu 2,3 bao/công, lợi ích không thua gì làm lúa vụ 3.
Theo giá lúa hiện nay, bình quân 1kg khoảng 8.000 đồng thì mỗi bao 50kg nông dân thu lợi khoảng 300.000 đồng sau khi trừ tiền thuê máy thu hoạch, làm sạch.
Theo nhiều nông dân chia sẻ, lúa chét rất dễ làm. Thu hoạch lúa vụ 2 xong thì để lại gốc rạ, có thể bón 1 ít phân vào những ngày đầu rồi cho lúa tự phát triển.
Trước kia nhiều hộ lấy lúa cho gà vịt ăn không hết nên họ bỏ luôn không để chét vì tốn nhiều công thu hoạch rất vất vả, hao tốn tiền thuê nhân công. Hiện nay đã có máy tuốt lúa chét nên người dân bắt đầu để lại lúa này rất nhiều.
Anh Nguyễn Thanh Lộc, người sáng chế máy thu hoạch lúa chét và đi thu hoạch thuê cho bà con chia sẻ: 1 bao lúa thành phẩm sạch anh lấy công 100.000 đồng, đầu mùa đến nay anh thu về 80 triệu đồng, nếu trừ chi phí còn lời hơn phân nửa.
Theo ông Lâm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội nông tỉnh Kiên Giang cho biết: Hạt lúa chét nhỏ hơn vụ chính nhưng chắc mẩy, vàng ươm. Gạo từ lúa chét rất ngon cơm và không sợ bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật. Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì tỉ lệ lúa tái sinh đạt tới 90%.
Trong thời buổi vật tư nông nghiệp tăng cao thì lúa chét được xem là giải pháp làm chơi mà ăn thật của bà con nông dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn