MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xóm duy nhất ở Hà Nội dành cho những người mang "căn bệnh nhà giàu"

Thanh Huế LDO | 27/11/2017 15:40
“Xóm chạy thận” ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị, đối diện Bệnh viện Bạch Mai. Đây là nơi đã và đang là nơi cư trú của 129 bệnh nhân chạy thận. Dù nhà có khá giả thì khi mắc căn bệnh “nhà giàu’’ này cũng sẽ thành hộ nghèo vì chi phí điều trị rất cao.

Hơn 20 năm qua, hàng trăm người đến rồi đi, già có mà trẻ cũng có. Thậm chí khung cảnh nhà trọ tồi tàn này còn là hình ảnh cuối cùng trong cuộc đời rất nhiều người.

Ông Mai Anh Tuấn (43 tuổi), trưởng xóm và cũng là người chạy thận lâu nhất ở đây chia sẻ: “Xóm bắt đầu có người đến thuê vào năm 1994. Khi đó chỉ có vài người đến đây thuê trọ để tiện cho việc chạy thận, rồi mọi người mách bảo nhau, dần dần con số đó tăng lên đến hàng trăm người mới thành cái xóm như bây giờ.’’

95% các bệnh nhân ở đây thuộc hộ nghèo, số ít còn lại thuộc cán bộ hưu trí. Dù nhà có khá giả thì khi mắc căn bệnh “nhà giàu’’ này cũng sẽ thành hộ nghèo vì chi phí điều trị rất cao.

Ngoài việc đi chạy thận 3 buổi/tuần, ai cũng cố tìm cho mình một công việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Người khỏe thì đi xe ôm, đánh giày, bán nước, đồng nát… Những người yếu hơn thì trông chờ trợ cấp của người thân.

Mỗi dãy trọ có khoảng 4 – 6 phòng dùng chung một nhà vệ sinh và giếng khoan làm nơi sinh hoạt hàng ngày. Phòng trọ có diện tích khoảng 5 – 10m2, cơ sở hạ tầng xuống cấp, các bờ tường ẩm mốc, không khí ngột ngạt, nóng nực về mùa hè, rét buốt về mùa đông, giá thành lại đắt đỏ. Tuy nhiên có rất nhiều người vẫn chọn nơi đây là nhà trong suốt phần đời còn lại của mình. Vì địa điểm gần với bệnh viện thuận tiện cho việc chữa trị, đồng thời sống cùng với các bệnh nhân giống mình sẽ dễ dàng sẻ chia, giúp đỡ nhau.
Dù phải sống trong căn phòng chật trội suốt 9 năm chạy thận, song bà Hoàng Thị Tư (57 tuổi, quê ở Ba Vì) chưa một lần cảm thấy cô đơn. Ở bên cạnh bà luôn có bóng dáng chồng, người luôn bên cạnh yêu thương, chăm sóc cho bà. Ông Lê Hữu Dũng (59 tuổi) trở về từ chiến trường Campuchia với thương tật 60%, một thời gian sau ông lên Hà Nội theo bà đi chạy thận rồi hai người nương tựa vào nhau. “Bà nhà tôi như cái đuôi vậy, bỏ không được, dời mắt một tí cũng không yên tâm” – ông Dũng cười nói.
Căn bệnh “nhà giàu’’ khó chữa này không ngăn nổi anh Nguyễn Văn Hùng (37 tuổi – quê Nam Định) – người đã dành nửa cuộc đời bên máy chạy thận đến với tình yêu của đời mình. 3 năm sau khi hành trình chạy thận của mình bắt đầu, anh đã gặp chị nhà và rồi hai người nên duyên thành vợ chồng, có với nhau hai đứa con gái (một bé 11 tuổi và bé còn lại 9 tuổi). Bố anh mất sớm khi anh mới chập chững biết nói, để lại mẹ anh một mình nuôi 4 người con. Đến nay 3 người chị gái đã lập gia đình ở xa, còn anh ở trên Hà Nội chạy thận. Đối với anh điều hạnh phúc nhất hiện giờ là anh đã có một gia đình nhỏ, có vợ ở bên cạnh mẹ già để chăm sóc đỡ đần.
Một ngày của anh Phạm Văn Điều (40 tuổi) bắt đầu từ 6h30, sau khi phụ giúp vợ chở nước sang bệnh viện Bạch Mai để bán, nếu không phải đi chạy thận anh trở về nhà với công việc cắt tóc. Anh là “cây kéo vàng’’ của cả xóm. Khách của anh chủ yếu là các bệnh nhân và người dân trong xóm. Ngày nào cũng có người đến chỗ anh cắt tóc, thi thoảng có người đến chỉ là để xem anh có khỏe không. Anh bắt đầu chạy thận từ lúc con trai anh 2 tuổi, đến nay đã 15 trôi qua.
Thiếu thốn về vật chất là điều ai cũng trải qua, nhưng thiếu thốn về tinh thần là điều buồn hơn cả. Trong suốt 9 năm chạy thận trên Hà Nội, bà Dương Thị Oanh (53 tuổi – quê Hải Dương) luôn phải tự mình lo hết mọi thứ. Đối với bà, từ lâu xóm chạy thận đã trở thành nhà và các bệnh nhân khác không chỉ là hàng xóm mà còn là người thân của mình.
Nỗi đau của bà Dương Thị Hoài (63 tuổi) nhân lên gấp đôi khi chồng bà, người luôn bên cạnh chăm sóc bà suốt 8 năm trời chạy thận, năm ngoái đã phải vào viện K để chữa bệnh ung thư đại tràng.Căn phòng nhỏ quạnh hiu nay không đủ sức chứa nỗi cô đơn, trống trải trong lòng người phụ nữ tuổi xế chiều.
Thường ngày, mọi người đều tản ra mỗi người một việc, không đi chạy thận thì cũng đi kiếm việc làm thêm nên khoảnh khắc đông đủ mọi người là rất ít. Chỉ những lúc họp xóm hay nhận quà từ thiện thì mọi người mới có cơ hội quây quần bên nhau trò chuyện. Không ai ở đây biết trước được ngày mai sẽ ra sao, nhưng chỉ cần cuộc sống vẫn tiếp diễn, chúng ta sẽ vẫn có ngày mai để hi vọng và những người chạy thận ở đây đang kiên trì sống đến phút cuối cùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn