MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xuân về trên vùng tôm - lúa Sóc Trăng

PHƯƠNG ANH LDO | 09/02/2024 10:00

Thời gian qua, mô hình tôm - lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã và đang khằng định là mô hình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần gia tăng lợi nhuận, cải thiện đời sống cho người dân. Và Tết này, bà con nơi đây lại càng phấn khởi hơn khi những diện tích lúa trồng trên đất nuôi tôm trúng mùa, trúng giá.

Vụ Đông xuân 2023 - 2024, người dân trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) càng phấn khởi hơn khi những diện tích lúa canh tác trên nền đất nuôi tôm cho năng suất lẫn giá bán cao kỷ lục.
Ông Võ Thanh Lâm ở xã Gia Hòa 1 (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) canh tác 4.000m2 lúa trên đất nuôi tôm, năng suất ước đạt trên 3 tấn. Với giá bán 9.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, ông Lâm còn lãi khoảng 5 triệu đồng/1.000m2. “Vụ lúa trên đất nuôi tôm đa số bà con thắng lớn, cộng với thời tiết thuận lợi, lúa được giá nên ai cũng phấn khởi“, ông Lâm nói.
Huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) với hai vùng sinh thái đặc trưng, trong đó 6 xã có 6 tháng nước mặn mặn và 6 tháng nước ngọt. Bà con nông dân ở đây thuận theo tự nhiên mà làm nông nghiệp. Khi nước mặn thì nuôi tôm, còn nước ngọt thì trồng lúa. Cứ thế, mô hình thuận thiên luôn vững vàng hàng chục năm qua nay tại vùng mặn - ngọt đan xen này.
Ông Trần Văn Phỉ ở xã Gia Hòa 1 (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Theo âm lịch hằng năm, cứ vào khoảng tháng 1 đến tháng 7, khi nước mặn thì tiến hành nuôi tôm. Sau đó, vào giữa mùa mưa (khoảng tháng 8 âm lịch), nước bắt đầu ngọt, thì tiến hành trồng vụ lúa. Trung bình, mỗi vụ nuôi tôm thu về hơn 1 tấn tôm thương phẩm, trong khi cây lúa cũng thu về khoảng 600 - 700 kg/1.000m2 mỗi vụ. Tính ra mỗi hécta lợi nhuận khoảng 30-40 triệu đồng.
Mô hình tôm - lúa còn phát huy các yếu tố tích cực của con tôm và cây lúa như giúp cải tạo đất, trừ sâu hại và cắt đứt vòng đời sâu bệnh trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
Ông Huỳnh Văn Lễ ở xã Ngọc Đông (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, trồng lúa trên nền đất nuôi tôm rất nhẹ chi phí sản xuất, hầu như không sử dụng phân thuốc, cả hữu cơ lẫn hóa học. Các phụ phẩm từ lúa khi phân hủy sẽ làm thức ăn cho tôm; còn các chất thải của tôm sẽ là phân nền cho cây lúa. Cứ thế, lúa tốt nhờ làm trên nền nuôi tôm, con tôm ít bệnh cũng nhờ cây lúa cải tạo môi trường.
Chính yếu tố này đã giúp huyện Mỹ Xuyên thành công với đề án “lúa thơm - tôm sạch“. Lúa được trồng là các giống chất lượng cao như lúa ST24, ST25. Đặc biệt gạo được trồng tại các địa phương này luôn có giá trị kinh tế cao hơn khi bán ngoài thị trường. Năm 2023, khi gạo ST25 của Sóc Trăng một lần nữa đạt giải Gạo ngon nhất thế giới thì các loại gạo ST được trồng trên vùng tôm - lúa ngày càng khẳng định được vị thế về chất lượng.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, mỗi năm tỉnh duy trì khoảng 8.000 ha lúa trên nền tôm. Để tăng lợi nhuận, giá trị mô hình tôm - lúa, bà con đã sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, đưa những giống lúa có giá trị kinh tế cao vào canh tác từ đó mang đến kinh tế cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn