MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xưởng rèn thủ công hơn 300 tuổi ở Cao Bằng

Trần Trọng LDO | 22/11/2022 09:04

Nghề rèn tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đã có từ rất lâu đời, nơi đây mệnh danh là “xưởng rèn thủ công” lớn nhất miền Bắc.

Làng nghề rèn Phúc Sen cách TP.Cao Bằng khoảng 35 km dọc theo Quốc lộ 3 về phía Đông. Vừa đặt chân đến nơi, tiếng quai búa đã vang lên khắp bản làng. Theo lời kể của những người cao tuổi, nghề rèn đã có từ rất lâu cứ truyền từ đời này qua đời khác. Trong giấy tờ mà địa phương ghi chép, nghề truyền thống này đã xuất hiện từ hơn 300 năm trước.
Trải qua hàng trăm năm nhưng nghề rèn truyền thống của đồng bào Nùng An nơi đây không bị mai một như nhiều làng nghề truyền thống khác, mà còn phát triển từng ngày. Vào thời điểm nghề truyền thống phồn thịnh nhất thì có đến hơn nửa xóm (hơn 200 hộ) rèn dao, búa.
Theo chỉ dẫn của người dân, PV ghé thăm lò rèn Minh Tuấn của ông Nông Văn Tuấn (SN 1976) - nghệ nhân duy nhất của làng nghề truyền thống này. Khi PV có mặt, tiếng búa tiếng đe vang lên liên tục, 3 thành viên trong gia đình ông đang cần mẫn làm việc, người đập người giữ.
Ông Nông Văn Tuấn chia sẻ: “Để có được một con dao hoàn chỉnh gồm rất nhiều công đoạn, nhưng có bốn công đoạn chính: Cắt và dùng búa đập thành hình định trước, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm. Mỗi công đoạn đều cần người thợ phải tỉ mỉ và có kinh nghiệm qua nhiều năm thì sản phẩm mới sắc bén và bền đẹp”.
Trong đó, hai quá trình tôi thép và ram thép mới là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Phúc Sen nổi tiếng.
Và nhiệt độ trong mỗi công đoạn sẽ là điều quyết định chất lượng của sản phẩm. 
Về hình thức, dao Phúc Sen có thể không được đẹp và bóng bảy. Nhưng về chất lượng lại luôn vượt trội về độ sắc bén và bền chắc.
Hiện nay, đã có nhiều công nghệ, máy móc hỗ trợ người thợ rèn trong phần lớn quá trình tạo ra một con dao nhưng đối với làng nghề rèn Phúc Sen thì việc này rất hạn chế. Bởi việc dựa dẫm hoàn toàn vào máy móc thì chất lượng sản phẩm có thể bị giảm độ bền.
Ở làng nghề truyền thống này, hình ảnh những người phụ nữ làm thợ phụ cho chồng ở lò rèn dao cũng rất quen thuộc, công việc tưởng chừng những chỉ dành riêng cho đấng mày râu.
Kể lại quá trình hơn 30 năm học hỏi, gắn bó và phát triển nghề rèn ông Tuấn cho biết, bản thân ông đã được ông và bố truyền đạt cách rèn dao từ khi lên 13 tuổi, đến 15 tuổi ông đã nắm được các kỹ thuật cơ bản và có thể làm thợ chính.
Với tình yêu và mong muốn phát triển nghề truyền thống, ông Tuấn rèn luyện tay nghề và đưa sản phẩm của mình đến nhiều cuộc thi, các chương trình giúp được nhiều người biết đến. Sau những nỗ lực, ông Nông Văn Tuấn đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam cùng nhiều bằng khen, chứng nhận của tỉnh, huyện; vào tháng 12.2020, sản phẩm dao của lò rèn Minh Tuấn cũng đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP.
Đã có một thời gian, các làng nghề rèn ở Phúc Sen chao đảo trước sự xuất hiện của các loại dao, kéo nhập ngoại với mẫu mã đẹp, giá thành rẻ. Cùng sự phát triển của xã hội, một bộ phần người dân chuyển từ nghề rèn sang công việc mới.
Nhưng với niềm tin và sự kiên trì, đến nay nghề rèn truyền thống ở Phú Sen vẫn giữ được giá trị cốt lõi và đã tạo nên thương hiệu riêng trong lòng người tiêu dùng.
Nghề rèn đã đưa những người dân nơi đây thoát khỏi đói nghèo, học tập được nhiều công nghệ và tri thức mới. Lẫn trong những nếp nhà truyền thống, đâu đó ở Phúc Sen, đã mọc lên những ngôi nhà xây, kiên cố chắc chắn.
Trao đổi với PV, bà Nông Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sen cho hay: “Nghề rèn này đã có từ rất lâu, nhờ đấy mà người dân tại địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống bởi sản xuất nông nghiệp tại đây còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, địa phương đã được công nhận làng nghề, trong thời gian sẽ đẩy quảng bá gắn liền nghề rèn cùng với địa danh và làng nghề khác phát triển ngành du lịch công đồng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn