MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một doanh nghiệp di dời khỏi khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: HAC

7 doanh nghiệp đầu tiên di dời khỏi khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam

HÀ ANH CHIẾN LDO | 17/06/2024 13:30

Đồng Nai - Ngày 17.6, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, đã có 7 doanh nghiệp tiến hành di dời khỏi khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam theo đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP Biên Hòa.

Giai đoạn 1 chưa có doanh nghiệp nào di dời

Theo báo cáo của Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai về tình hình triển khai di dời các nhà máy xí nghiệp theo đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1, tính đến ngày 7.5, hiện nay chưa có doanh nghiệp nào trong Khu 1 đã di dời khỏi dự án.

Trong 14 doanh nghiệp ở giai đoạn 1, có 4 doanh nghiệp gửi phản hồi về Sở Kế hoạch và Đầu tư gồm: Công ty CP Bibica, Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam, Công ty CP tập đoàn Tân Mai, Công ty CP Miền Đông, còn lại 10 doanh nghiệp không gửi thông tin phản hồi về kế hoạch di dời.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, tiến độ di dời của các doanh nghiệp là chậm.

Người lao động Công ty CP Bibica. Ảnh: HAC

Ở giai đoạn 1, có 14 công ty trong phần diện tích Khu 1 (khoảng 75,1 ha), nằm về phía nam Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (tiếp giáp cầu An Hảo, đường Trần Quốc Toản, đường Lê Văn Duyệt, xa lộ Hà Nội) phải di dời trước tháng 12.2024.

Trong khi đó, ở giai đoạn 2 phải hoàn thành di dời trước tháng 12.2025 là các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích còn lại, khoảng 66 doanh nghiệp và một phần diện tích của 4 doanh nghiệp - thì đã có 7 đơn vị đã và đang di dời gồm:

Công ty TNHH Sản xuất hàng mây gỗ Đồng Nai - Bochang di dời về Khu công nghiệp Hố Nai.

Chi nhánh Công ty CP Everpia Việt Nam di dời về Khu công nghiệp Hố Nai.

Công ty CP Thiết bị điện di dời về Khu công nghiệp Long Đức.

Công ty CP Vina Café di dời về Khu công nghiệp Long Thành.

Công ty CP Bột giặt Net di dời về Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn.

Công ty CP Tôn Phương Nam di dời về Khu công nghiệp Nhơn trạch II - Nhơn Phú.

Công ty CP Tấm lợp và VLXD Đồng Nai di dời về Khu công nghiệp Ông Kèo.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, qua rà soát, thống kê, hiện nay vướng mắc trong việc thực hiện đề án tập trung chủ yếu vào việc di dời các doanh nghiệp, theo đó các doanh nghiệp chưa lên kế hoạch di dời, chưa có địa điểm di dời.

Qua tổng hợp, một số kiến nghị tập trung các nội dung như: Đề nghị gia hạn thời gian thực hiện hoạt động di dời; Có chính sách di dời, bồi thường hỗ trợ, địa điểm di dời, chính sách hỗ trợ người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để thực hiện hoạt động tái đầu tư.

Khoảng 18.000 - 21.000 lao động bị ảnh hưởng

Trước đó, ngày 10.6, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai phương án di dời các nhà máy, xí nghiệp theo Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

Một khu đất vừa được “dọn dẹp” sạch sẽ mặt bằng tại khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Trong đó giai đoạn 1 có 14 doanh nghiệp thuộc diện di dời với diện tích hơn 75 ha, thời gian di dời trước tháng 12.2024. Giai đoạn 2, các doanh nghiệp còn lại di dời trước tháng 12.2025.

Tổng số lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay theo đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai là dao động khoảng 18.000 - 21.000 lao động.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam được thành lập từ năm 1963, nhưng đã bộc lộ hạn chế, lại nằm sát sông Đồng Nai nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được hình thành từ năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Sau năm 1975, Khu kỹ nghệ Biên Hòa đổi tên thành Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn