MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt dự án 2 bên đường Lê Văn Lương vi phạm điều chỉnh quy hoạch và xây dựng. Ảnh: Trần Vương

Băm nát quy hoạch đường Lê Văn Lương: Có dấu hiệu "lợi ích nhóm" hay không?

VƯƠNG TRẦN LDO | 19/07/2022 11:40
Với những sai phạm về xây dựng trên tuyến đường Lê Văn Lương, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ, trả lời cho dư luận rõ về việc có “lợi ích nhóm” hay không, trách nhiệm như thế nào và xử lý nghiêm để mang tính răn đe. Nếu không có “lợi ích nhóm” thì cũng trả lời cho dư luận được rõ, tránh râm ran tin đồn, xì xào trong dư luận.

Chiều lòng nhà đầu tư, biến dạng quy hoạch

Chuyển về sinh sống tại khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính năm 2009 cùng gia đình theo diện tại định cư, bà Nguyễn Thị Thuý cho biết, hồi mới chuyển đến khu vực Lê Văn Lương khá thưa vắng vì có ít nhà cao tầng. Nhưng sau hơn một thập kỷ, khu vực thay đổi chóng mặt khi chung cư và nhà cao tầng mọc lên san sát, nối nhau trên tuyến đường chỉ dài 2km. Trước đó có những thời điểm nhiều chung cư cùng thi công xây dựng một lúc, rất ồn ào. Giờ xây xong, dân chuyển về ở thì sáng nào cũng thấy ùn ùn xe cộ.

Không chỉ ùn tắc triền miên, người dân khu vực này còn phải đối mặt với việc thiếu vườn hoa, khuôn viên vui chơi cho trẻ em khi khu vực hai bên đường toàn là những dãy nhà cao tầng. Anh Nguyễn Thanh Phong mua chung cư ở khu Lê Văn Lương vào năm 2014 với lời mời chào của người môi giới chủ đầu tư có đầy đủ vườn hoa, nhà trẻ, khu vui chơi… Nhưng đến nay, phần đất để làm các dịch vụ này được chuyển đổi thành khu thương mại và nhà ở để tiếp tục bán cho những người khác.

Bà Thuý, anh Phong chỉ là 2 trong số rất nhiều người phải chịu hệ luỵ khi mật độ xây dựng cạnh tuyến đường Lê Văn Lương quá cao dẫn tới thiếu tiện ích. Theo ghi nhận của Lao Động, chỉ trên một đoạn từ đầu đường Tố Hữu nối với đường Lê Văn Lương ra Khuất Duy Tiến đã có khoảng 40 khu đô thị, tòa nhà cao tầng án ngữ ngay mặt đường. Tắc đường triền miên là tình cảnh người dân thường xuyên phải đối mặt khi di chuyển qua tuyến đường này.

Trong kết luận vừa ban hành, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, với nhiều dự án chung cư dọc trục Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình, UBND Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc đã điều chỉnh quy hoạch sai quy định, theo xu hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn...

Điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số. Chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo quy chuẩn xây dựng đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không đảm bảo bán kính phục vụ.

Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng mới đây cũng chỉ rõ, nhiều toà nhà chung cư sau nhiều lần điều chỉnh từ thiết kế ban đầu 6,5 tầng đã tăng lên 25 tầng, nhiều dự án được điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Đồng thời, dự án không đảm bảo mật độ cây xanh, khu vui chơi, nhà trẻ theo đúng quy hoạch ban đầu.

Trao đổi với PV Lao Động, PGS-TS-KTS Nguyễn Quang Minh (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) - cho rằng, việc tăng mật độ xây dựng nhằm khai thác tối đa giá trị sử dụng đất, đem lại nhiều lợi nhuận cho chủ đầu tư dưới góc độ kinh tế. Và việc biến dạng quy hoạch là điều hiển nhiên ai cũng đã trông thấy ở tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. 

Việc này dẫn tới rất nhiều hệ luỵ. Mật độ cư trú quá cao, mật độ xây dựng lớn, không gian đô thị bị thu hẹp đáng kể, áp lực giao thông quá tải, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, ô nhiễm môi trường, chất lượng cuộc sống suy giảm. Đó là những điều hiển hiện rất rõ.

Theo PGS-TS-KTS Nguyễn Quang Minh, từ quy hoạch ban đầu, khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư với nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn, có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.

“Điều này, không chỉ khiến quy hoạch khu vực này bị “băm nát” phá vỡ quy hoạch tổng thể Thủ đô mà còn gây áp lực tới giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường, điều kiện không gian sống…” - ông Minh nói.

Làm rõ có lợi ích nhóm hay không?

PGS-TS-KTS Nguyễn Quang Minh cũng cho rằng, để xảy ra sai phạm nghiêm trọng như hiện tại do có sự tích luỹ của những sai phạm từ nhiều thời kỳ trước. Do vậy, bất kỳ ai có liên quan tới quá trình phê duyệt, thẩm định, quản lý cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.

“Ở đây cụ thể là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ở thời kỳ có bản quy hoạch được phê duyệt điều chỉnh; Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án…” - ông Minh nói và cho rằng, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt của cả nước và những vi phạm ở mức độ nghiêm trọng như vậy thì phải có những hình thức xử lý nghiêm khắc để lặp lại trật tự, kỷ cương trong xây dựng cũng như điều hành xã hội.

Với những dấu hiệu vi phạm trên tuyến đường Lê Văn Lương, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - cho rằng, để xảy ra vi phạm, yếu kém trong công tác quy hoạch, trước hết trách nhiệm thuộc về UBND TP.Hà Nội và các cấp chính quyền. Tuy nhiên, trách nhiệm cụ thể thuộc về người nào và mức độ xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan công an.

Ông Cừ cho rằng, đối với các sai phạm cần phải điều tra, làm rõ có dấu hiệu “lợi ích nhóm” mà dư luận nghi ngờ hay không. Cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ, trả lời cho dư luận rõ về việc có “lợi ích nhóm” hay không, trách nhiệm như thế nào và xử lý nghiêm để mang tính răn đe. Nếu không có “lợi ích nhóm” thì cũng trả lời cho dư luận được rõ, tránh râm ran tin đồn, xì xào trong dư luận.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ đưa ý kiến: Cần phải tra cứu, xử lý trách nhiệm của những người làm thay đổi quy hoạch không có cơ sở và gây ra những hệ luỵ về kinh tế-xã hội-trật tự trên địa bàn. Cần làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị ở từng cấp quản lý. Trong trường hợp có sai phạm, có trách nhiệm của cả những người về hưu vẫn có thể bị xử lý. Về hưu rồi không có nghĩa là hạ cánh an toàn, hết trách nhiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn