MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cận cảnh những dự án tái định cư bạc tỉ đắp chiếu hoang tàn tại Hà Nội

Tuyết Lan LDO | 06/04/2023 15:12

Hà Nội - Giữa lòng thủ đô, hàng chục khu tái định cư xuống cấp trầm trọng do bị bỏ hoang cả thập kỉ. Nhiều dự án có vị trí đắc địa vẫn không có người ở, gây lãng phí.

1. Dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 Duy Tân đắp chiếu nhiều năm trên đất "vàng"

Dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 Duy Tân nằm tại số 1, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tọa lạc tại khu "đất vàng", khởi công xây dựng từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào 2013 nhưng sau 13 năm, dự án vẫn "đắp chiếu", chưa phát huy đúng công năng, gây lãng phí.

Được biết, đơn vị được giao nhiệm vụ thi công dự án là: Công ty CP Xây dựng Số 5 Hà Nội và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng Đô thị (UDIC). Đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát dự án là: Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội. Đơn vị đảm nhiệm công tác tư vấn thiết kế dự án: Công ty CP Tư vấn Handic.

Dự án xây dựng với quy mô gồm 15 tầng nổi, 1 tầng hầm. Trong đó, tầng 1 và 2 là tầng thương mại, căn hộ ở từ tầng 3 đến tầng 15. Một số hình ảnh được PV ghi nhận tại dự án: 

Dự án ở một vị trí đắc địa khi tiếp giáp với rất nhiều tuyến đường trọng điểm của khu vực. Ngoài ra, dự án còn gần công viên và nhiều trường đại học lớn.
Thời gian dài không được đưa vào sử dụng đúng công năng, dự án dần xuống cấp. Ảnh: Phan Anh

2. Dự án tái định cư tại Khu đô thị Sài Đồng

Nằm trong trung tâm Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên - Hà Nội), ngay cạnh nhiều khu dân cư hiện đại có hệ thống giao thông thuận tiện nhưng hàng trăm căn hộ tái định cư N3 - N4 - N5 lại đang trong tình cảnh hoang tàn, nhếch nhác, không một bóng người.

Dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3, trước đây là Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội - thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự án hơn 1.292 tỉ đồng. Ba toà nhà này dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng trong Khu đô thị Sài Đồng. 

3 toà tái định cư N3 - N4 - N5 tại Khu đô thị Sài Đồng được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2007. Dù đã được hoàn thiện hơn 1 thập kỉ nhưng 3 tòa nhà 6 tầng, với hơn 150 căn hộ này vẫn bị bỏ hoang, không có người dân dọn đến sinh sống.

Thậm chí năm 2017, Hanco 3 từng đề xuất thành phố cho phép phá bỏ toàn bộ 3 toà nhà tái định cư tại Sài Đồng do quá lâu mà không có người đến ở. Một số hình ảnh được PV ghi nhận tại dự án: 

Bị bỏ hoang hàng chục năm đã khiến nhiều hạng mục hạ tầng trong ba tòa nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tầng một của các toà nhà được biến thành nơi chứa phế liệu với ngổn ngang thiết bị xây dựng, sắt thép, thậm chí là rác thải. Ảnh: Tuyết Lan

3. Toà nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu

Khối nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) được khởi công xây dựng từ những năm 1995 - 1996. cao hơn 20 tầng với 155 căn hộ. Được coi là tòa nhà tái định cư có vị thế đẹp nhất nhì Hà Nội, dự án có một mặt giáp đường Đại Cồ Việt, mặt còn lại trông ra đường Tạ Quang Bửu. Tại đây, có thể đi đến công viên Thống Nhất hoặc vào trung tâm Hà Nội rất gần.

Tuy nhiên người dân địa phương cho biết, hiện nay tòa nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu vẫn trong tình trạng “vườn không nhà trống”. Chỉ có một số tầng được sử dụng làm văn phòng cho một số đơn vị, doanh nghiệp. Các tầng nhà phía trên không có người sinh sống nhiều năm nay. Một số hình ảnh được PV ghi nhận tại dự án:

Dự án được đánh giá là có vị trí rất đẹp.
Bỏ không trong suốt nhiều năm đã khiến công trình này xuống cấp. Nền gạch của nhiều tầng đã có tình trạng vỡ nứt, tường bong tróc sơn, cửa khoá hoen gỉ. 
Người dân địa phương cho biết, hiện tầng hầm và khu vực sân rộng xung quanh của toà nhà được tận dụng làm nơi để xe ô tô. Thậm chí, phía cuối của toà nhà còn cho thuê mặt bằng để mở quán rửa xe. Ảnh: Tuyết Lan

Lãng phí lớn, cần sát sao gỡ vướng

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho rằng cơ chế xin cho là nguyên nhân khiến nhà ở tái định cư hiện nay rơi vào tình trạng chất lượng kém, không người ở.

"Cơ chế xin cho là nguyên nhân khiến nhà ở tái định cư hiện nay đang xuống cấp trầm trọng và chất lượng kém. Người dân khi được tái định cư đến khu nhà ở mới theo luật phải có chất lượng tốt hơn nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa làm được. Đồng thời quy hoạch vẫn chưa chuẩn, hạ tầng kỹ thuật không tốt, hạ tầng xã hội không có khiến người dân đến ở không đủ điều kiện.

Chính phủ và các cấp chính quyền cần có chính sách kịp thời để giải quyết vấn đề an sinh xã hội, việc làm cho người dân tái định cư" - ông Điệp nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn