MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội phân tích về thực trạng nhiều khu chợ tiền tỉ bỏ hoang. Ảnh Bảo Thoa

Chi tiền tỉ xây chợ rồi “phơi nắng phơi mưa” không dùng vì hàng loạt bất cập

BẢO THOA LDO | 02/08/2023 12:34

Những năm qua, hàng loạt khu chợ dân sinh tại Thủ đô được chi số tiền nhiều tỉ đồng để quy hoạch, xây dựng. Triển khai trong nhiều năm, tuy nhiên đến nay, nhiều chợ trong số này bị bỏ hoang, cơ sở vật chất chưa đi vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng vì nhiều nguyên do.

Xây chợ hàng chục tỉ nhưng không gắn liền với nhu cầu của dân

Chợ Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) có tổng kinh phí xây dựng lên đến 22,5 tỉ đồng, được chấp thuận xây dựng vào ngày 7.5.2013 với quy mô lên tới 3.600m2.

Dù chợ được chi số tiền "khủng" để xây dựng nhưng theo ghi nhận của PV ngày 1.8, hiện nay, chợ chỉ là một khu vực bị bỏ hoang, vật liệu xây dựng được bày ngổn ngang chắn lối đi, cây dại mọc um tùm, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, hoen gỉ với kim tiêm vương vãi khắp nơi.

Cách khu chợ tiền tỉ hoang tàn không xa, hàng trăm tiểu thương vẫn hằng ngày kinh doanh buôn bán dọc khắp đường làng.

Cho đến nay, chợ Tây Mỗ chỉ là một khu đất hiu quạnh, nằm trơ trọi cạnh nghĩa trang của địa phương. Ảnh: Bảo Thoa

Chị Nguyễn Thị Hồng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - tiểu thương trong làng bức xúc cho biết: “Tôi cảm thấy việc chợ xây lên không hề hợp lý. Lý do vì địa điểm chợ không ở vị trí trung tâm làng, đoạn đường ấy hầu như mọi người chỉ đi qua, chẳng ai dừng lại.

Chưa kể diện tích chợ không lớn, những hôm nắng không có nổi một bóng cây, còn hôm rét mướt, mưa gió thì người bán như chúng tôi sao mà chịu được? Kể cả chợ hoàn thành thì tôi cũng ngại di chuyển", chị Hồng nói.

Cạnh cửa hàng của chị Hồng, bà Nguyễn Thị Tuất (phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình chia sẻ: “Chúng tôi ai cũng muốn ở lại trong làng cho ấm cúng. Bởi chợ mới đối diện nghĩa trang, đêm tối người bán còn không dám ra huống chi là người mua? Đời sống sinh hoạt ở đây đã rất kém, ruộng nương không ai làm, chỉ có thể dựa vào chợ gần nhà để kiếm vài đồng thôi”.

Chung cảnh với chợ Tây Mỗ là chợ Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 3551/QĐ-UBND ngày 12.11.2014. Sau đó khởi công xây dựng từ năm 2016, tổng vốn đầu tư 18 tỉ đồng, nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách quận Nam Từ Liêm.

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, nhiều khu chợ dân sinh xây dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng không hoạt động. Ảnh: Minh Hà.

Sau gần 10 tháng thi công, dự án này cơ bản đã được hoàn thành. Nhưng kể từ ngày khởi công đến nay đã gần 7 năm, khu chợ vẫn đang trong tình trạng “phơi nắng phơi mưa”, chưa được đưa vào sử dụng.

Nhiều hạng mục trong chợ xuống cấp, trầm trọng cỏ mọc khắp lối đi, rác rưởi chất thành đống, gây mất mĩ quan là thực trạng đang diễn ra tại chợ Tây Mỗ. Ảnh: Minh Hà.

Là chủ cửa hàng bán thuốc Nam tại chợ tạm Phú Đô, bà Nguyễn Thị Tách - tiểu thương chợ tạm Phú Đô cho hay: "Trước đây khi chợ mới được xây, trên phường nói với chúng tôi là chỉ khoảng 6-7 tháng nữa sẽ có chợ đẹp để ngồi. Thế nhưng đã gần 7 năm trôi qua, chúng tôi vẫn phải ngồi đây.

Hết lần này đến lần khác nghe giải thích là chưa có phòng cháy chữa cháy nên phải đợi. Bản thân tôi cũng không mong chờ gì nữa, tầm này bán hàng vì đam mê theo đuổi 18 năm nay chứ chợ thì ế, lời lãi gì”.

Mặc dù chợ Phú Đô đã được xây dựng khang trang nhưng tiểu thương vẫn phải vất vưởng bán hàng ở khu chợ tạm bợ liền kề. Ảnh: Minh Hà.

Chợ xây tiền tỉ vì sao "đắp chiếu"

Lý giải về thực trạng hàng loạt chợ tại Thủ đô dù được chi ra số tiền lớn, xây dựng trong nhiều năm nhưng vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”, không thể thu hút được các tiểu thương, ngày 1.8, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhìn nhận: "Bởi việc đô thị hóa diễn ra quá nhanh, không thể bắt nhập với hoàn cảnh xã hội nên đã nảy sinh nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách. Một số chợ lại có giá thuê lô sạp khá “chát” nên các tiểu thương vẫn kiên quyết bám trụ nơi lều quán tạm bợ".

Ông Điệp phân tích, từ khi bắt tay vào quy hoạch, các đơn vị quy hoạch phải định hướng vị trí của chợ theo đúng nghĩa "trung tâm của các loại trung tâm, trung tâm của các dịch vụ”. Để làm được điều này, đòi hỏi các đơn vị quy hoạch phải có tầm nhìn, định hướng rõ ràng chứ không thể đưa chợ ra một địa điểm hiu quạnh, không có người vào, không giao lưu thuận lợi.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay có rất nhiều khu chợ dân sinh xây xong rồi bỏ hoang nhưng trên thực tế, bài toán về việc tháo dỡ vướng mắc, đưa chợ dân sinh vào hoạt động theo đúng công năng chưa bao giờ đơn giản.

"Để dẫn đến việc chợ xây xong bỏ hoang, trách nhiệm thuộc về các nhà quy hoạch, các lãnh đạo không có tầm nhìn, tư duy không trúng, không khảo sát kỹ nhu cầu của người dân trước khi triển khai dự án.

Trong quá trình rà soát, UBND quận, huyện có thể đã báo cáo không đầy đủ về thông tin, tính pháp lý của dự án, thiếu nghiêm túc trong công tác giám sát đầu tư, thiếu chế tài xử phạt chủ đầu tư không hợp tác. Và một phần có thể do thay đổi chính sách đất đai, quy hoạch, chính sách giải phóng mặt bằng", ông Điệp nêu ý kiến.

Để ngăn tình trạng chợ xây dựng xong rồi bỏ không, gây lãng phí tiền bạc, đất đai, chính quyền cấp cơ sở cùng các ngành liên quan cần khảo sát kỹ lưỡng về việc xây dựng chợ gắn liền với đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, cần có quy chế gắn trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong quy hoạch, xây dựng và đưa chợ vào hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn