MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyên gia góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản

Khương Duy LDO | 28/09/2022 12:32

Cả 2 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) sửa đổi đang được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, địa phương và các bộ, ngành trong vòng 2 tháng, dự kiến sẽ được báo cáo tại kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Cải cách thể chế, chính sách pháp luật cần được đưa lên hàng đầu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, ngành bất động sản đóng góp 4,21% GDP, năm 2020 đóng góp 4,42%, bình quân trong 10 năm, đóng góp 4,5 – 4,7% GDP. Ảnh: Phan Anh

Theo phương pháp tính toán của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp và gián tiếp, ngành bất động sản đóng góp nhiều hơn con số thống kê. Cụ thể, năm 2019 là 7,62% GDP. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư 1 mét vuông nhà ở cần 17 – 25 công lao động, đầu tư 1 USD vào bất động sản thì thu hút được 1,5 – 2 USD vốn xã hội tham gia khoảng 200%.

Vì vậy ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch thường trực VNREA cho rằng, để củng cố nền kinh tế phát triển bền vững, mục tiêu cải cách thể chế, chính sách pháp luật cần được đưa lên hàng đầu, giải phóng nguồn lực, huy động sức sáng tạo, động lực phát triển mọi ngành nghề, mọi cá nhân, tổ chức xã hội.

Chia sẻ tại Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, ông  nêu một số vấn đề cần được tiếp tục quan tâm thảo luận như nhà ở thương mại, thời hạn sở hữu nhà chung cư, vấn đề cải tạo nhà chung cư cũ, cũng như quy trình, vốn đầu tư nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó là các loại hình kinh doanh BĐS mới như căn hộ biệt thự nghỉ dưỡng, lưu trú, vấn đề về giao dịch BĐS thông qua sàn, vấn đề đào tạo cấp chứng chỉ giao dịch BĐS.

Toàn cảnh Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản diễn ra vào ngày 28.9. Ảnh: Phan Anh

Theo ông Hà, việc phát triển nhà ở nói riêng, thị trường bất động sản nói chung đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành bất động sản phát triển kéo theo hàng chục ngành nghề thiết kế, hàng trăm ngành nghề khác phát triển.

Nhà ở là sản phẩm tiêu dùng, các công trình xây dựng trở thành sản phẩm thương mại thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Không chỉ thu hút đầu tư trong nước, lĩnh vực bất động sản còn thu hút rất lớn sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Đứng thứ hai trong tổng số 17 lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, sau công nghiệp và chế tạo.

Tăng tính thống nhất, giảm rủi ro pháp lý

Theo TS. Phạm Duy Nghĩa – Trọng tài viên VIAC, giảng viên ĐH Fullbright, việc sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản cần tăng tính thống nhất, giảm rủi ro pháp lý cho các dự án bất động sản.

"Ưu tiên sửa những luật gì, sửa để đạt mục đích gì, về lâu dài nên làm như thế nào? Bây giờ mình sửa nhiều luật quá, làm như thế nào để ổn định? Liên quan tới thị trường bất động sản, chúng ta có hàng loạt luật: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá, Quy hoạch chi tiết Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và các Luật liên quan, Luật Nhà ở (khoảng 230 điều), Luật Kinh doanh Bất động sản (khoảng 100 điều), Pháp luật thuế và các loại phí, Luật Thanh tra, Kiểm toán, trách nhiệm hành chính – chính trị…

Theo TS. Phạm Duy Nghĩa: “Miếng đất, căn hộ là tài sản. Luật can thiệp đến tài sản nên người dân, doanh nghiệp đang rất quan tâm. Nếu đi vào càng chi tiết, càng sâu… chúng ta sẽ càng gặp rất nhiều vấn đề. Nếu đi vào từng luật, chăm chú sửa từng luật thì nguy cơ không nhất quán, không hệ thống.

Ông Nghĩa lấy ví dụ, trên một lô đất xuất hiện nhiều tài sản, quyền tài sản khác nhau, nếu đăng kí riêng rẽ, sau này chùm tài sản đưa ra tranh chấp, tài sản phái sinh sẽ gây ra rủi ro vì sở hữu đa tầng không được quản lý nhất quán.

"Tôi mong muốn, ở đây có chuyên gia bất động sản, Luật Dân sự, Luật Nhà ở… chúng ta đưa ra ý kiến thống nhất. Sở hữu chung cư 50 hay 70 năm, như vậy là can thiệp vào quyền tài sản. Vậy mục đích cuối cùng là gì, có phải an toàn hay khả năng lưu thông?”.

TS. Phạm Duy Nghĩa đề nghị cần quan tâm đến gốc vấn đề là “quyền tài sản”, “quyền tự do giao dịch”… Và, quyền của người dân nên quy định trong luật dân sự và không nên thay đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn