MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Báo Lao Động từng có ghi nhận tình hình bất động sản tại huyện Gia Lâm. Dù chưa lên quận, nhưng Gia Lâm đã chằng chịt đất phân lô bán nền. Ảnh: Lan Nhi

Chuyện huyện lên quận tại Hà Nội, không quy hoạch tốt sẽ hỏng

Minh Ánh LDO | 01/06/2023 11:45

Theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội, việc đưa huyện lên quận là điều đáng mừng nhưng cũng đáng lo. Bởi nếu quy hoạch không tốt, các đô thị vùng ven của Hà Nội sẽ phát triển như "vết dầu loang" - đô thị cứ lớn dần từ trong đẩy ra ngoài lộn xộn và để lại những hệ quả tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

- Thưa ông Trần Huy Ánh, Hà Nội có chủ trương xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận trong giai đoạn đến năm 2025, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì. Mới đây, Hà Nội thể hiện những quyết tâm, nỗ lực đưa Đông Anh, Gia Lâm từ huyện lên quận trong năm 2023-2024. Ông đánh giá như nào về câu chuyện này?

- Tôi rất vui vì Hà Nội đang ngày càng phát triển, khi quy hoạch các huyện lên quận, hi vọng rằng cuộc sống của người dân sẽ được cải thiện và nâng cao. Vì vậy, tôi đánh giá chủ trương này không chỉ có các quan chức quản lý hi vọng mà người dân cũng rất mong chờ.

Khi một địa phương lên quận sẽ có rất nhiều sự thay đổi. Các cấp quản lý cần chuyển mô hình từ quản lý nông thôn sang mô hình quản lý đô thị. Như vậy, các tiêu chuẩn về lương, về ngân sách để đầu tư, các cơ sở hạ tầng cũng cần phải thay đổi.

Cần lưu ý rằng để hoàn thành đề án lên quận, không phải chỉ trên giấy tờ văn bản và chữ ký, con dấu là xong. Các huyện phải đạt được 2 nhóm tiêu chí (gồm 27 tiêu chí để huyện thành quận; 15 tiêu chí để xã thành phường) và nguồn lực để thực hiện các đề án được đánh giá là khó khăn trong bối cảnh hiện nay. 

- Không chỉ riêng Đông Anh, Gia Lâm lên quận trong năm 2023-2024, 3 huyện còn lại cũng đang trong "cuộc đua" lên quận trong năm 2025. Ông đánh giá các địa phương sẽ phải đối mặt với những thuận lợi và khó khăn nào trong cuộc đua lên quận hiện nay?

- Ngoại ô Hà Nội trước năm 2000 rất ổn định với sản xuất nông nghiệp, trồng rau xanh, đất đai... Điển hình như hai huyện Đông Anh và Gia Lâm là hai huyện nông nghiệp có sông hồ bao quanh, đây là vùng đất giống như một lớp đệm an toàn khi vòng chuyển vật chất từ đô thị ra nông. 

Thành phố cần phải định hướng rõ khi đưa các huyện lên chỉ là quận, mục tiêu là để tạo thành vành đai xanh cho thành phố hay chỉ tạo nên những đô thị màu xám, loang lổ với các dự án bất động sản vây kín?

Những mảnh đất phân lô cỏ dại mọc um tùm ở thôn Nghĩa Lại, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh. Ảnh: Lan Nhi 

Trên thực tế, thông tin các huyện được quy hoạch lên quận đã được lan truyền từ nhiều năm trước đây. Với quá trình đô thị hóa tràn lan, dù các huyện nêu trên chưa lên quận, nhưng tình trạng lấp ruộng, lấp ao hồ để xây nhà, phát triển bất động sản đã diễn ra bừa bãi. Tình trạng ô nhiễm, tệ nạn xã hội gia tăng... vì vậy, việc đưa huyện lên quận cần được kiểm soát tốt, để không sa lầy vào mô hình phát triển tự phát như "vết dầu loang" - đô thị cứ lớn dần từ trong đẩy ra ngoài lộn xộn và để lại những hệ quả tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

- Ông từng có nhiều chuyến công tác ở nước ngoài khảo sát tại các đô thị của nhiều nước trên thế giới. Ông có những chia sẻ bài học kinh nghiệm cho thành phố Hà Nội?

- Nhìn ra thế giới, có rất nhiều bài học mà chúng ta có thể học hỏi. Rất nhiều đô thị phát triển thiếu kiểm soát và đến nay hầu như không thể khắc phục được, hoặc muốn khắc phục thì phải cần đến nguồn lực khổng lồ.

Manila của Philippines là một ví dụ. Đây vốn là thành phố cảng nằm bên vịnh biển. Tuy nhiên, do sự phát triển bừa bãi, dần trở thành một đại đô thị không có ngoại ô. Bên cạnh các khu đô thị xa hoa mà các ông chủ bất động sản xây, các làng xóm cũ của người dân bị đẩy ra bên rìa, tạo thành những làng ổ chuột nhếch nhác. Ngày nay, siêu đô thị Manila có hơn 11 triệu người, tình trạng kẹt xe, ngập nước, khu ổ chuột… đã trở thành vấn đề nan giải hơn nửa thế kỷ. Đó là bài học mà Hà Nội cần phải lưu tâm.

- Vậy Hà Nội cần phải có những giải pháp như thế nào để các huyện lên quận là thực chứ không chỉ là danh thưa ông?

- Chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn không trở thành Đại Manila. Con đường mà Hà Nội cần phải chọn là quy hoạch Thủ đô sao cho đúng. Hà Nội có thể phát động những cuộc thi để các địa phương tự đưa ra những kịch bản phát triển của mình. Như vậy, sau này người dân, lãnh đạo thành phố sẽ có những cơ sở để đối chất, kiểm soát những nội dung được vẽ ra như những khẩu hiệu, những mục tiêu vô vọng, hay những con số không thực tế. 

Tất cả các địa phương cần phải trả lời trước thành phố về kịch bản có bền vững có tường minh và đặc biệt phải chứng minh năng lực quản trị của mình.

- Xin cảm ơn KTS!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn