MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: KHƯƠNG TRUNG

Dấu ấn trí tuệ và tâm huyết trong Luật Đất đai sửa đổi

Nguyễn Hà LDO | 23/01/2023 05:55

Nói về quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhìn nhận việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo này là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong tham gia lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, đây cũng là thực hiện vai trò, trách nhiệm trong sở hữu toàn dân về đất đai đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng.

Sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng

Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (cho đến khi có nhân sự thay thế) Trần Hồng Hà đánh giá một trong những kết quả nổi bật của toàn ngành trong năm 2022 là kịp thời hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng nhằm thực hiện định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao trong Nghị quyết 18 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Căn cứ kết quả tổng kết thực tiễn và nghiên cứu, dự thảo Luật được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện nội dung với nhiều đổi mới gồm 11 nhóm chính sách lớn, 16 chương, 245 điều, được xây dựng đồng bộ, tổng thể, với tầm nhìn xa để thực hiện được các mục tiêu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương, tạo dư địa và động lực mới để giải phóng nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác, thúc đẩy tăng trưởng đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và đảm bảo mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình chuyển dịch đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai đã có các quy định về chính sách này trên tinh thần đảm bảo ổn định, kế thừa và phát triển, đánh giá kỹ tác động, đặc biệt tác động đến người dân, doanh nghiệp. Các quy định cụ thể sẽ được nghiên cứu hoàn thiện trong các Luật Thuế…

Kể từ khi công bố dự thảo luật sửa đổi vào tháng 7.2022, dự thảo luật quan trọng này chuyển sang bước lấy ý kiến người dân. Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Chia sẻ thông tin về hoạt động, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay, việc lấy ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi) là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong tham gia lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, đây cũng là thực hiện vai trò, trách nhiệm trong sở hữu toàn dân về đất đai được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng.

“Cơ quan soạn thảo đề xuất lấy ý kiến gồm 10 nhóm vấn đề về: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; phát triển quỹ đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất. 

Chúng tôi cũng đề xuất nội dung trọng tâm phù hợp theo từng nhóm đối tượng như doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; chuyên gia, nhà khoa học để huy động sáng kiến, sự hiểu biết đóng góp cho những nội dung liên quan” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay.

Tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên quốc gia

Cùng với dấu ấn đậm nét trong việc hoàn thiện xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, ngành tài nguyên và môi trường cũng chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những rào cản để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời cũng chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như quỹ đất, nguyên liệu, vật liệu, nguồn nước cho sản xuất kinh doanh, công nghiệp khai khoáng tiếp tục có đóng góp cho tăng trưởng; nguồn thu từ tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước đóng góp 15% thu ngân sách nội địa góp phần đáp ứng các cân đối với lớn cho nền kinh tế.

Đáng chú ý với định hướng khai thác tiềm năng lợi thế của các vùng biển, các địa phương có biển được phát huy trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực phát triển, mở cửa, hội nhập quốc tế, hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với hình thành chuỗi đô thị ven biển và các trung tâm năng lượng tái tạo.

Còn đó rất nhiều khó khăn

Bước sang năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhìn nhận, những vấn đề khó khăn khách quan vẫn tồn tại, tiếp tục tạo nhiều thách thức tác động đến các quốc gia trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục đặt trọng tâm năm 2023 là năm “Chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.

Trong đó, Bộ TNMT đề ra những nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy các nguồn lực tài nguyên; Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, từng bước phục hồi các hệ sinh thái; Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; Hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phát triển kinh tế xã hội phòng chống thiên tai; Đổi mới đồng bộ thể chế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy theo chức năng nhiệm vụ và tổ chức mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn