MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đối thoại với hơn 200 doanh nghiệp. Ảnh: P.Linh

Khánh Hòa mở hướng cho các doanh nghiệp thực hiện dự án condotel

Linh Long LDO | 16/06/2022 10:01

Khánh Hòa - Tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến condotel, đất đai, thủ tục đầu tư... để doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19 là những kiến nghị làm “nóng” nghị trường đối thoại doanh nghiệp lần thứ 1 năm 2022 của tỉnh Khánh Hòa.

Doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng gần 20%

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 910 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 10.706 tỉ đồng. Số DN quay trở lại hoạt động là 837 DN, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến 26.5, tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 10.234 DN. 5 tháng đầu năm Khánh Hòa thu hút được 5 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 436 tỉ đồng.

Theo bà Đặng Thị Thu Nguyệt - Trưởng đại diện VCCI tại Khánh Hòa, kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong quý I/2022 cơ bản ổn định (42%) và có tăng lên (42%) so với quý IV/2022. Mức độ hoàn thành kế hoạch của DN trong quý I/2022 là 71%. So với hơn một năm trước, các gói hỗ trợ DN phục hồi và phát triển năm 2022 được DN nhìn nhận có nhiều chuyển biến tích cực hơn. 

Du lịch Khánh Hoà đang phục hồi tích cực kéo theo nhiều DN dịch vụ phục hồi. Ảnh: P.Linh 

Khó khăn hiện nay với của các DN là chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và khó tìm kiếm, khó tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, khó tiếp cận đất đai để mở rộng kinh doanh, thiếu lao động có tay nghề...

Hơn 70% DN đề xuất, kiến nghị tỉnh và các ngành liên quan tạo thuận lợi tiếp cận thông tin chính sách, qui định hỗ trợ DN. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh...

Tại buổi đối thoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp 63 nội dung kiến nghị của các DN, trong đó 32 nội dung kiến nghị của DN đã được giải quyết dứt điểm.

Có 26 nội dung kiến nghị của DN đang giải quyết và tiếp tục theo dõi. Trong đó, có 2 kiến nghị đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh về khu quy hoạch làng nghề cho sản xuất, chế biến nước mắm tại Nha Trang và xử lý rác thải tại Khu Công nghiệp Suối Dầu do UBND huyện Cam Lâm chưa đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung.

Đề xuất cấp sổ hồng cho condotel

Trong số các kiến nghị của DN tại Khánh Hòa có 24 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn của nhà đầu tư trong việc triển khai dự án đầu tư, xin miễn tiền sử dụng đất đối với nhà ở xã hội, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế, xác định giá đất để doanh nghiệp nộp thuế...

Nhiều dự án có “đất ở không hình thành đơn vị ở” tại Khánh Hoà dính sai phạm đang tìm hướng gỡ. 

Chủ trì đối thoại, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - nhìn nhận: Thời gian qua, nhiều dự án của các DN bị vướng lại do liên quan đến các kết luận thanh tra, kiểm tra. Đây cũng là vấn đề cả tỉnh và DN đều vướng và đang tìm hướng để giải quyết.

“Nhóm những dự án không qua đấu giá, đấu thầu, giá đất gây thất thoát nhà nước, Trung ương cơ bản cho phép tỉnh thành lập hội đồng xác định lại giá. Tỉnh giao Sở Tài nguyên Môi trường thực hiện thuê các đơn vị thẩm định giá để tính ra cho được số tiền thất thoát từng dự án. Tuy nhiên khi xác định được giá cụ thể, DN thực hiện đóng số tiền thất thoát rồi có tiếp tục triển khai hoạt động hay không thì phải tùy vào sai phạm. Chúng ta phải thống nhất với nhau chỉ có pháp luật và thượng tôn pháp luật".

Cũng theo ông Tuân, "đối với nhóm dự án sai quy hoạch, quy chuẩn quan điểm của tỉnh là không hợp thức việc sai nhưng tìm giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, phù hợp với quy định của pháp luật. Như các dự án ở đường Trần Phú quy hoạch 40 tầng nhưng DN xây 43 tầng nếu trong kỳ quy hoạch này chấp nhận 43 tầng thì DN thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, những dự án không phù hợp thì phải trở về hiện trạng. Hợp thức hóa sai quy hoạch thì cá nhân tôi và lãnh đạo tỉnh không ai làm được việc này ”- ông Tuân nhấn mạnh.

Những dự án vượt quy hoạch sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới. 

Liên quan đến “những DN có dự án “đất ở không hình thành đơn vị ở”- đây là khái niệm không có trong Luật đất đai nên phải về vị trí cũ. Những dự án chưa hình thành thì chuyển về đất ở thương mại.

Những dự án đã hình thành thuộc nhóm cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện... thì chuyển đất ở và chủ đầu tư nộp ngân sách theo quy định. Còn những dự án bán cho nhà đầu tư thứ cấp, không thể điều chỉnh thì tỉnh đề xuất Trung ương căn cứ giấy phép đầu tư loại hình đất du lịch ban đầu, cấp sổ hồng đất dịch vụ thương mại thời hạn 50 năm.

Tỉnh cấp là để DN làm du lịch chứ không phải bán, thời gian qua nhiều người dân yêu cầu tỉnh cấp sổ đỏ là không hợp lý. Đối với những dự án đã cấp sổ sai thì tiến hành thu hồi để huy , kiểm tra phù hợp quy hoạch thế nào, nếu không thì trả lại hiện trạng... Khánh Hòa đang xin Chính phủ thực hiện theo hướng này. Các dự án condotel hiện nay có giá trị hơn 30 triệu USD- đây là con số rất lớn vì thế nếu đề xuất được đồng ý thì sẽ khơi thông được rất nhiều dự án ở Khánh Hòa”.

Với 14 kiến nghị, vướng mắc của DN được trao đổi trực tiếp tại buổi đối thoại, đã có 8 lượt lãnh đạo sở ngành và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời và hướng dẫn DN thủ tục liên quan. Ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định: Tỉnh đang nỗ lực phối hợp với Chính phủ, bộ, ngành để tháo gỡ những sai phạm liên quan đến các dự án trước đây, quan điểm của tỉnh là luôn đồng hành cùng DN, để cùng nhau phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn