MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà văn Hiền Trang ra mắt tập bút ký mới. Ảnh: NXB

Bút ký “Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ” của Hiền Trang

Thanh Hương LDO | 16/08/2024 19:30

“Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ” là tập bút ký mới nhất của nhà văn Hiền Trang vừa được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành.

Hiền Trang là nhà văn thuộc thế hệ 9X với các sáng tác đa dạng từ truyện ngắn, tiểu thuyết cho đến những tiểu luận về nghệ thuật. Năm 2022, Hiền Trang sang Mỹ tham gia chương trình “Viết văn Quốc tế” (International Writing Program - IWP) của Đại học Iowa - là một trong 33 nhà văn đến từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ” có thể xem là nhật-ký-nghệ-thuật mà Hiền Trang ghi chép lại từ những trải nghiệm và cảm nhận của mình trong lần vinh dự tham gia IWP.

Hành trình của Hiền Trang trong cuốn sách này được xem như là cuốn phim chậm, để cùng đối thoại với văn chương, nghệ thuật, suy nghĩ về mối quan hệ giữa văn chương, nghệ thuật với cuộc sống này.

“Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ”, nhà văn Hiền Trang sẽ đưa bạn đọc đến với thế giới nghệ thuật bất tận - để có thể vỡ vạc dần về những câu chuyện “behind the scene” của một người viết và hoàn toàn bác bỏ định kiến “văn chương hạ giới rẻ như bèo”.

Bút ký “Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ” thu hút độc giả trẻ. Ảnh: NXB

“Tôi đã chọn kể thứ ý nghĩa nhất với mình, thật may cũng là thứ ý nghĩa nhất với Iowa, chính là văn chương. Trong câu chuyện ấy, Iowa cũng như một nhân vật, một ông tơ bà nguyệt, người kéo tôi tới và cho tôi không gian, thời gian để đối thoại với văn chương” - nhà văn Hiền Trang nói.

Nhà văn luôn tự nhận mình là một người học việc văn chương, tay thợ thô vụng trong nghề viết lách hay cây bút với tất cả sự khiếm khuyết và hạn chế. Bản thân tác giả từng thú nhận mình khá bối rối, thậm chí dè dặt khi trả lời về “nghề nhà văn” của mình.

Nghề viết, cũng như tất cả những nghề khác, đòi hỏi tinh thần của một chiến binh trong cuộc chiến dai dẳng của nỗi hoài nghi: Ai cũng có những nỗi sợ về việc bị mắc kẹt giữa những ngày lặp đi lặp lại, viết dưới những cái bóng của những đại văn hào hay nỗi sợ chật vật với ngôn từ.

Bạn đọc sẽ dễ ngạc nhiên bởi những chương đoạn như “Nỗi khốn khổ chung và cơn đau răng riêng" bóc tách những mâu thuẫn, để thấy văn chương đôi khi không cần cao hơn cuốn nhật ký hay ấn tượng khi mượn hình ảnh “rắn ăn đuôi" - những nhà văn có xu hướng thu mình vào câu chuyện của chính mình, mặt khác cũng không đánh giá thấp những nếp gấp bí mật của một đời người.

Không vẽ ra trước mắt độc giả một vườn hoa hồng trong trang sách của “Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ” nhưng độc giả hoàn toàn bị thuyết phục bởi kiến thức và trải nghiệm phong phú của Hiền Trang qua những dẫn chứng chắc nịch, những tên tuổi lẫy lừng cùng tác phẩm bảo chứng.

Và rất nhiều câu chuyện hậu trường để thấy văn chương len lỏi vào mọi hơi thở đời sống, và ai cũng có thể trở thành nhà văn theo con đường riêng biệt nhất.

Văn chương chính là khát khao. Nhà văn có quyền năng và hạnh phúc không gì sánh được của một người làm sáng tạo nghệ thuật như cách nhà văn kể rằng, ở nước Mỹ, người già chi trả cho văn chương như khoản đầu tư.

Với nhà văn Hiền Trang, có hàng ngàn cách để bạn đọc bắt đầu với văn chương, coi văn chương tự nhiên như hơi thở, len lách vào từng hoạt động nhỏ nhất trong ngày và vốn dĩ, văn chương không phải là thế giới xa lạ, văn chương có trong tất cả những điều đơn giản như hơi thở của ta mỗi phút giây. Không có chủ đề nào là vặt vãnh, tủn mủn, dù cho đó là một cảm xúc thoáng qua…

Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ không phải là cuốn từ điển về ngôn ngữ hay văn chương, nghệ thuật, đây là cuộc hành trình đãi chữ tìm văn của tác giả, truyền cảm hứng đến bạn đọc.

Nhân dịp này, nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng nhà văn Hiền Trang với chủ đề “Ngôn từ trẻ hướng ra thế giới”. Chương trình có sự tham gia của nhà văn cùng thế hệ 9X Huỳnh Trọng Khang sẽ được tổ chức vào 9h ngày 18.8 tại Đường Sách TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn