MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiểu rõ hơn về tín ngưỡng dân gian qua Nếp cũ - Tín ngưỡng Việt Nam

Hương Lê LDO | 29/04/2023 14:09
"Nếp cũ - Tín ngưỡng Việt Nam" là cuốn sách sưu tầm và viết về tôn giáo, những nghi thức thờ phụng của các tín ngưỡng dân gian.

"Nếp cũ - Tín ngưỡng Việt Nam" là tác phẩm nằm trong bộ sách "Nếp cũ" gồm: "Con người Việt Nam"; "Tín ngưỡng Việt Nam"; "Làng xóm Việt Nam"; "Hộ hè đình đám" của tác giả Toan Ánh.

Với tác phẩm "Nếp cũ - Tín ngưỡng Việt Nam", tác giả đã công phu sưu tầm, cách viết nhuần nhị, trôi chảy, tự nhiên, tác giả đã trình bày rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ về các tôn giáo với những nghi thức thờ phụng của các tín ngưỡng dân gian.

Ngoài các tôn giáo, dân ta còn thờ kính tổ tiên, thờ kính các vị anh hùng dân tộc, và thờ kính bất cứ một người nào đã thi ân cho tổ tiên chúng ta nên đây là một tác phẩm rất có giá trị đối với văn hóa và nghiên cứu học thuật nước ta.

Nếp cũ - Tín ngưỡng Việt Nam. Ảnh: Nhà xuất bản 

Nhà xuất bản Trẻ mong muôn bộ sách "Nếp cũ" sẽ cung cấp cho người đọc những hiểu biết cần thiết về cội nguồn của dân tộc, về những phong  tục, tập quán, lễ nghĩa phong hóa xưa nay của ông cha ta.

Biết những điều tốt đẹp, nhận chân giá trị đích thực những gì thuộc về văn hóa cổ truyền, những cái hay, cái lạ của ông cha từ thời mở nước và giữ nước đặng gìn giữ những vốn quý hay, lạ, hợp lẽ đời, để đối nhân xử thế đầy nhân hậu, yêu thương và đồng cảm giữa người với người trên quê hương Việt Nam.

Nhà thơ Phùng Tất Đắc từng nói bộ sách của Toan Ánh là công trình cần phải có để ghi lại những gì đã mất và sắp mất, giúp con người nhận chân và gìn giữ giá trị cũ, hiểu được gốc rễ của cuộc sống ngày nay, cho thấy hướng đi nhằm xây dựng tương lai phù hợp với bản chất dân tộc.

Nhà văn Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toán tại Đáp Cầu (Bắc Ninh). Suốt cuộc đời mình, ông dành phần lớn thời gian để ghi nhận, khám phá những phong tục tập quán, lề thói dân gian, lễ hội đình đám, tín ngưỡng, địa dư chí, ca dao... của nhiều vùng miền trên đất nước.

Năm 1935, truyện ngắn đầu tay "Chiếc nhẫn quý" của ông được đăng trên báo Tiểu thuyết Thứ Bảy. Sau khi mất, ông để lại khoảng 124 tác phẩm có giá trị học thuật như bộ "Nếp cũ" gồm 11 cuốn, nói đầy đủ về vòng đời của một con người Việt Nam (từ lúc thai nghén, sinh ra, đi học, đi làm, lập gia đình, chết, cải táng,...). Tập truyện "Trong lũy tre xanh" phê phán hủ tục làng quê. Cuốn "Phong lưu đồng ruộng" ca ngợi nét đẹp đời sống tinh thần thôn xóm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn