MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuốn sách do Nhà xuất bản Thông tấn, Công ty Cổ phần sách Alpha (Alphabooks) và Công ty Truyền thông Sống phối hợp xuất bản. Ảnh: Ý Yên

Hồi ký “Phóng viên chiến trường” khắc họa thời đưa tin dưới mưa bom lửa đạn

Ý Yên LDO | 05/12/2023 22:24

Chiều 5.12, chính thức ra mắt cuốn hồi ký Phóng viên chiến trường - Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình của Nhà báo Trần Mai Hưởng - nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Hy sinh, gian khổ, hình ảnh chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta suốt những cuộc chiến được tác giả Trần Mai Hưởng khắc họa rõ nét trong cuốn hồi ký vừa ra mắt.

Là một phóng viên chiến trường, tác giả Trần Mai Hưởng là một trong số những phóng viên có mặt ở tuyến đầu khi Quảng Trị vừa được giải phóng trong Chiến dịch tổng tiến công 1972, hay buổi sáng đầu tiên khi Thừa Thiên - Huế được giải phóng, kịp thời chuyển tải tin bài về không khí ngày hội của thành phố này.

Đáng nhớ nhất là tác giả kịp thời có mặt tại Dinh Độc Lập để kịp thời ghi lại khoảnh khắc “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975”. Bức ảnh này sau đó được sử dụng rộng rãi và trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975. Với ông, đó “là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo” của mình.

“Cuộc đời hiện lên như một cuốn phim quay chậm qua những tháng năm, với nhiều sự kiện, nhiều gương mặt và hoàn cảnh đã sống” - ông bày tỏ nhân dịp ra mắt cuốn sách về quá trình viết cuốn hồi ký khi đã ở tuổi ngoài 70.

“Đã 55 năm kể từ khi tôi rời ghế nhà trường phổ thông vào học lớp phóng viên TTXVN khóa 8. Tôi đã dành trọn cuộc đời mình để theo nghề báo. Công việc đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm, được trải qua nhiều thử thách trong chiến tranh và hòa bình, được chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong lịch sử đất nước. Đối với tôi, đấy thực sự là một may mắn lớn”, nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ.

Nhà báo Trần Mai Hưởng kể về những năm tháng tác nghiệp dưới mưa bom lửa đạn cùng các đồng đội. Ảnh: Ý Yên

Phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách, bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, khẳng định cuốn sách giúp thế hệ sau hiểu về một thời tuổi trẻ xông pha dấn thân của tác giả cùng những đồng nghiệp Thông tấn xã Việt Nam trước đây. Họ đã làm nên lịch sử, đóng góp vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

"Cuốn sách này không chỉ có những bước chân mà còn có cả vị mặn của mồ hôi và màu đỏ của máu; có những thao thức, chiêm nghiệm về hành trình của một đời người qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh và hòa bình. Với văn phong tưởng như chất phác mà rất giàu chất thơ, cuốn hồi ký không chỉ giá trị với bạn đọc cả nước nói chung mà còn rất giá trị với những người làm báo chúng ta nói riêng”, trích lời nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông mong muốn cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, để bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn