MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà giáo, nhà báo Trần Bá Lạn phát biểu tại buổi lễ ra mắt cuốn sách "Nghĩa nặng tình sâu". Ảnh: Thảo Quyên

Ra mắt cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu” của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn

Thảo Quyên LDO | 15/08/2023 16:35

Ngày 15.8, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã diễn ra lễ ra mắt cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu” của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn.

Cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu” gồm một số tác phẩm báo chí và những tư liệu khảo cứu văn hoá lần đầu tiên được công bố. Sách được chia làm 3 tuyến chính: Tuyến một, xây dựng giáo trình nghiệp vụ báo chí; Tuyến hai, tác phẩm báo chí được sử dụng rải rác 60 năm qua; Tuyến ba, các bản dịch chữ Hán, khám phá nguồn cội dòng Trần Bính từ cụ thủy tổ - thế kỷ XVII.

“Nghĩa nặng tình sâu” là cuốn sách mà ông ấp ủ từ năm 2013, nhưng lúc đó công việc khảo cứu còn dang dở cho nên đến 2023 mới mới được ra mắt. Với ông, ấy chính là 10 năm chuẩn bị, chắt lọc những chi tiết thật cần thiết trong quá trình làm việc và nghiên cứu của mình.

Tại Lễ ra mắt sách, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà Báo Việt Nam chia sẻ: “Điều đặc biệt, tác giả cuốn sách - nhà báo, nhà giáo, nhà văn hoá Trần Bá Lạn là một trong số hiếm hoi các tác giả xuất bản sách ở dạng một công trình nghiên cứu khoa học khi thầy ở độ tuổi sắp bước qua một thế kỷ đời sống và cống hiến.

Thầy Trần Bá Lạn là hình mẫu của một nhà báo cách mạng, một người thầy báo chí mô phạm, còn sức lực là còn cống hiến cho sự nghiệp báo chí, cống hiến cho đất nước. Người thầy ngót 100 tuổi ấy là hình mẫu điển hình của người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá”.

Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn tặng sách và tư liệu cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Thảo Quyên

Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn là giảng viên báo chí suốt 40 năm (từ 1961-2001), Trưởng khoa Báo chí Trường Đại học Tuyên Giáo (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) từ 1976-1990. Đồng hành cùng Khoa Báo chí từ ngày chưa có gì, mà theo thầy là chỉ có một chiếc phòng và duy nhất một bộ bàn ghế.

Chính thầy là người tổ chức biên soạn bài giảng, giáo trình nghiệp vụ báo chí, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy cho Khoa. Từ những năm 70 của thế kỷ trước cho đến nay, sau nửa thế kỷ, những cuốn giáo trình ấy vẫn giữ nguyên giá trị to lớn về mặt lý luận, thực tiễn.

PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng cũng nhận định thêm: “Đọc tập sách mới xuất bản lần này, người đọc sẽ hiểu sâu sắc hơn vì sao mà bộ giáo trình lại có ý nghĩa “bền vững” với thời gian như vậy. Đó là chính tác giả, thầy Trần Bá Lạn đã là một nhà báo lăn lộn với thực tiễn để từ đó đúc kết những bài học giá trị”.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nói: “Nhà báo Trần Bá Lạn là một người thầy rất tâm huyết, mẫu mực với nghề. 'Nghĩa nặng tình sâu' đã mạng đến những bài học thấm thía về sự thất truyền trong lịch sử. Đây chính là đóng góp to lớn của thầy, từ đó, những giá trị văn hóa đã được khơi dậy”.

Qua đó, ông cũng chia sẻ với nhận định của ông Phạm Quốc Toàn - Nguyên Phó Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam, rằng: Với “Nghĩa nặng tình sâu”, nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn không chỉ để “khắc chế” sự thất truyền lịch sử không đáng có mà còn là sự tri ân sâu sắc cuộc đời - trong đó có mái trường Đại học Tuyên giáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và Khoa Báo chí từ những ngày “vạn sự khởi đầu nan”.

Xa hơn là sự tri ân Trường Kỹ nghệ Liên khu IV; nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ ở chiến khu Việt Bắc; tri ân dòng họ Trần và quê hương làng Vân Hội, huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội; tri ân mái ấm gia đình, người bạn đời yêu dấu - giảng viên, nghệ sỹ ưu tú ngành múa Ballet.

Khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn Ảnh: Thảo Quyên

Trong khuôn khổ Lễ ra mắt cuốn sách “Nghĩa nặng tình sâu” còn có chương trình Trưng bày chuyên đề và tọa đàm: “Nhà giáo – Nhà báo Trần Bá Lạn: Từ giảng đường đến cuộc đời”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn