MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rèn luyện tư duy sáng tạo

Huyền Chi LDO | 16/05/2023 22:34

Cuốn sách "Sáng tạo sâu thâu ý tưởng" đề cập những nguyên lí, nguyên tắc để sản sinh ra sự sáng tạo cũng như phương pháp để vận dụng các nguyên lý, nguyên tắc ấy.

Một ý tưởng hay, một bản kế hoạch tốt, một phương án giải quyết hiệu quả, một chiếc lược tuyệt vời, tất cả đều cần có tiền đề là “đúng và thú vị”. Thú vị ở đây có nghĩa là khách hàng nhìn vào thấy được sự độc đáo, hấp dẫn và có khả năng lôi cuốn người khác.

Từ khóa cho nó chính là những ý tưởng “có tính nghệ thuật”. Nghệ thuật chính là chiến lược cao cấp trong “xã hội dư thừa vật chất” đương đại.

Trong cuốn sách "Sáng tạo sâu thâu ý tưởng", tác giả Takahashi Nobuyuki cố gắng đào sâu những nguyên lí của sự sáng tạo từ kinh nghiệm 40 năm trong lĩnh vực sản xuất quảng cáo tại Hakuhodo.

Cuốn sách “Sáng tạo sâu thâu ý tưởng” giúp rèn luyện tư duy sáng tạo. Ảnh: Nhà xuất bản

Cuốn sách này là nguồn thông tin hữu ích cho những doanh nghiệp, cá nhân làm những công việc liên quan đến sáng tạo. Ở trong một thời đại cái tôi cá nhân được tôn trọng, thời đại mà tài năng, sự nhạy cảm và nỗ lực của từng người đều mạnh mẽ, con người phải không ngừng rèn luyện “tư duy sáng tạo”.

Trong "Sáng tạo sâu thâu ý tưởng" có một trích đoạn nổi bật như sau: "Cũng tốt nhưng chúng tôi không thích! Cho dù sản phẩm có trình độ kỹ thuật cao, tính năng tốt đi chăng nữa nhưng một khi khách hàng nói “Tôi không thích” thì đó cũng là dấu chấm hết, những đồ vật hay hàng hóa ấy sẽ dần bị loại bỏ.

Đó cũng chính là nỗi kinh hoàng của “xã hội dư thừa vật chất”. “Chất lượng cao” là điều hiển nhiên. Thêm vào đó, việc bản thân ý tưởng có mang lại sự đồng cảm, niềm hạnh phúc và yêu thích hay không cũng là một vấn đề cần quan tâm.

Nếu chúng ta được nhận xét giống như ở trang bên, điều đó có nghĩa chúng ta chưa chạm tới được trái tim của khách hàng. Yêu ghét là cảm tính. Người ta vẫn nói rằng con người hành động chỉ có 20% là theo logic, còn lại 80% là phi logic. Và như vậy, một công việc kinh doanh không đánh vào cảm xúc của con người, không chạm tới cảm tính của con người sẽ bị tụt lại phía sau. Thời đại ngày nay càng ngày càng không thể tách biệt với tính nghệ thuật".

Theo Takahashi Nobuyuki, những yếu tố trợ giúp ông trong công việc chính là bốn bước vận dụng trí óc: Biết (năng lực thông tin), Suy nghĩ (năng lực tưởng tượng), Sáng tạo (năng lực sáng tạo), Hành động (năng lực thực hiện). Bốn bước nêu trên đều được quán triệt hai điều là “trí tưởng tượng và sức sáng tạo” (imagination & creation).

Sách được chia làm 3 phần: Nghệ thuật hóa kinh doanh, Những gợi ý cho tư duy sáng tạo và Những từ khóa kích thích nghệ thuật hóa.cTác giả Takahashi Nobuyuki đề cao sự sáng tạo từ việc quan sát con người và đưa ra từng chỉ dẫn cụ thể.

Để nâng cao được giá trị của thông tin, mỗi người làm quảng cáo cần trả lời được một cách chính xác những gì mà đối phương đang quan tâm. Việc quan sát người tiêu dùng, quan sát thế giới, quan sát tất cả thay đổi và biến chúng trở thành các hình thù mới chính là cách làm căn bản trong giới kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn