MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sách được trưng bày tại Giải thưởng Sách Quốc gia. Ảnh: Thùy Trang

Tình trạng xâm phạm bản quyền sách trên mạng diễn ra phức tạp

Thùy Trang LDO | 22/03/2024 15:07

Năm 2023, ngành xuất bản Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Ngày 22,3, Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2024 diễn ra tại Hà Nội.

Theo báo cáo tại Hội nghị, tổng doanh thu toàn ngành đạt 4.105,350 tỉ đồng (tăng 4,98%), tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 xuất bản phẩm (giảm 1,4%) với 536.179.131 bản (giảm 10,5%).

Số lượng các đầu sách có lượng phát hành lớn tăng lên. Một số đầu sách thu hút được nhiều bạn đọc và cho đến nay đã được tái bản nhiều lần dưới dạng in truyền thống hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn, như: "Hạt giống tâm hồn", "Đắc nhân tâm", "Quẳng gánh lo đi và vui sống", "Hành trình về phương Đông, "Nhà Giả Kim", "Cây cam ngọt của tôi"...

Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành và báo cáo của các Sở Thông tin và Truyền thông, tính thời điểm hiện nay, cả nước có 2.011 cơ sở phát hành sách (giảm 1,91%).

Toàn ngành đã phát hành trên 544.000.000 xuất bản phẩm (tăng 5,2%); doanh thu đạt khoảng 4.671 tỷ đồng (tăng 3,8%) so với năm 2022.

Năm 2023, nhìn chung các cơ quan chủ quản đã có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động nhà xuất bản. Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện như Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Giải thưởng Sách Quốc gia và một số hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế.

Tại hội thảo, 15 tham luận từ các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu về những vấn đề, định hướng, hiện trạng của ngành xuất bản tại Việt Nam.

Toàn cảnh hội nghị đầu năm của ngành xuất bản. Thùy Trang

Tuy nhiên, ngành xuất bản vẫn còn một số hạn chế còn tồn tại như sai sót, vi phạm về mặt chính trị, tư tưởng trong nội dung xuất bản phẩm còn chưa được khắc phục, dẫn đến việc cơ quan chức năng phải xử lý với các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, sách giá trị và có sức lan tỏa chưa nhiều, đặc biệt là thể loại chính trị, khoa học công nghệ.

Thạc sĩ Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - chỉ ra, vẫn còn đối tượng chạy theo lợi nhuận; những người khai thác, sử dụng sách trên không gian mạng chưa ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ về quyền tác giả. Nhiều người vẫn mua sách rẻ mặc dù biết rằng có thể đó là sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền.

Ngoài ra, chế tài xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa.

Phát biểu chỉ đạo và giao nhiệm vụ tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: "Những khó khăn hiện nay bắt buộc ngành xuất bản phải thay đổi tư duy, đổi mới. Cần phải nhìn những động lực mới, hướng đi mới đang nhen nhóm để tạo ra thay đổi.

Cần có sự hợp tác giữa đơn vị xuất bản với các đối tác tài chính, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở nhiều sản phẩm xuất bản số. Về phía cơ quan chức năng, sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện thể chế, hoàn thành vai trò "nhạc trưởng" để đưa ngành xuất bản phát triển bền vững".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn