MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xây dựng kỷ luật mềm trong gia đình

Huyền Chi LDO | 12/05/2023 14:08

Cuốn sách “Kỷ luật mềm trong gia đình” dựa trên 5 từ khóa “Yêu thương - Kiên nhẫn -  Thừa nhận - Khen ngợi - Tin tưởng” mang đến những câu chuyện thực tế, gần gũi về quá trình nuôi dạy con trẻ.

"Kỷ luật mềm trong gia đình" ra đời để trả lời cho những câu hỏi về cách nuôi dạy con, thông qua những trải nghiệm thực tế của tác giả Nguyễn Thị Thu sau hơn 10 năm ở Nhật vừa học tập, vừa làm mẹ. Tác giả đã có sáu năm đồng hành chia sẻ những câu chuyện nuôi dạy con với các cha mẹ Việt Nam.

Nếu ví như năng lực của một đứa trẻ là chiếc cốc, còn kiến thức là lượng nước đổ vào, thì nếu chiếc cốc càng to, trẻ sẽ càng nhận được nhiều nước sau này. Giai đoạn 0-10 tuổi là thời kì quan trọng nhất để bố mẹ nặn chiếc cốc năng lực cho con, chứ không phải đổ đầy một cốc nước.

Ba trụ cột quan trọng để xây dựng nền móng vững chắc cho sự trưởng thành của con sau này: Nuôi dưỡng những năng lực sống và chú trọng bồi đắp những phẩm chất đạo đức, hình thành những thói quen tốt.

Cuốn sách “Kỷ luật mềm trong gia đình” chia sẻ phương pháp giáo dục trẻ trong gia đình. Ảnh: Nhà xuất bản

Đầu tiên, cha mẹ cần nuôi dưỡng năng lực sống cho con. Năng lực đầu tiên mà trẻ cần nhất ở giai đoạn đầu đời chính là nuôi dưỡng tính tự lập trong sinh hoạt hàng ngày, sự tự chủ trong suy nghĩ và hành động, có khả năng suy nghĩ độc lập và bày tỏ chính kiến, có khả năng kiểm soát hành vi của bản thân và tuân quy tắc của một tập thể.

Năng lực thứ hai cần trang bị là những kỹ năng mềm giúp trẻ kết nối với mọi người xung quanh, khả năng lắng nghe, quan sát và tự tin để sẵn sàng cho việc học tập trong môi trường tiểu học.

Sau đó, trẻ cần được nuôi dưỡng sự tò mò và trí tưởng tượng thông qua những trải nghiệm thực tế và cách trò chuyện của bố mẹ trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, cha mẹ cũng cần biết cách đặt câu hỏi "Vì sao", "Con nghĩ như thế nào?"...

Tiếp đến, cha mẹ cần biết cách vun đắp phẩm chất cho con. Tài năng có thể giúp con thành công, nhưng đạo đức và thói quen tốt mới là thứ giúp con có được hạnh phúc.

“Kỷ luật mềm trong gia đình” sẽ nuôi dưỡng cho con những phẩm chất đạo đức như: khả năng đồng cảm, thấu hiểu, khả năng lắng nghe, trái tim bao dung và chia sẻ, vun đắp lòng biết ơn với cuộc sống, trân trọng sinh mệnh, và có trách nhiệm với bản thân, gia đình.

Cuối cùng, trẻ cần được dạy cách hình thành thói quen tốt từ nhỏ. Một số thói quen mà bậc phụ huynh nên hướng dẫn con từ nhỏ là ngủ sớm, yêu thích vận động, yêu thích việc đọc sách, tự giác học, biết quản lí thời gian và tiền bạc từ giai đoạn tiểu học.

Chia sẻ về lí do để viết nên cuốn sách này, tác giả Nguyễn Thị Thu chia sẻ: "Sau khi trở về Việt Nam được hơn một năm, trong quá trình làm việc ở trường mầm non tôi nhận thấy được rằng ở Việt Nam, khi trẻ trong độ tuổi từ 3 - 6 tuổi, thông thường các bố mẹ chưa quan tâm nhiều lắm đến việc xây dựng những quy tắc cho trẻ con trong gia đình.

Vì vậy, bố mẹ thường xuyên phải quát mắng, cáu gắt với các con khi các con không nghe lời. Cuốn sách “Kỷ luật mềm trong gia đình” này giúp cho bố mẹ biết được tầm quan trọng của việc xây dựng những quy tắc đối với con trẻ, bởi vì với trẻ con sẽ luôn muốn mọi chỉ dẫn của bố mẹ đều phải có sự rõ ràng. Nếu được bố mẹ hướng dẫn cụ thể, con sẽ hợp tác hơn".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn