MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Hoài Thu.

Những “yếu huyệt" U22 Việt Nam cần khắc phục trước trận chung kết

VIỆT HÙNG LDO | 10/12/2019 16:56
Dù đang bất bại tại giải lần này nhưng U22 Việt Nam không phải không có điểm yếu, thậm chí là những điểm yếu vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến thất bại.

"Thủ môn là một nửa đội bóng"

Trong 2 trận đấu then chốt ở vòng bảng, trước U22 Indonesia và U22 Thái Lan, thủ môn của U22 Việt Nam đều mắc lỗi, trực tiếp dẫn tới bàn thua.

Pha nhảy lên bắt hụt bóng của Tiến Dũng hay tình huống sút bóng bất cẩn của Văn Toản khiến cả đội bị rơi vào thế dẫn trước. Việc ghi bàn vào lưới những đối thủ mạnh như U22 Thái Lan và U22 Indonesia không hề dễ dàng. Không phải lúc nào hàng công cũng có thể sửa sai cho các thủ môn nếu tình trạng này còn lặp lại.

Nếu các thủ môn chơi xuất thần, họ đích thực là một nửa đội bóng theo hướng tích cực. Nhưng nếu mắc sai lầm, "một nửa" đó có thể kéo cả đội đi xuống, thậm chí nhận thất bại.

Văn Toản và Tiến Dũng đều mắc sai lầm. Ảnh: Anh Tuấn/ D.P.

Trong một trận chung kết không có chỗ để "quay đầu" như thế này, bất cứ ai đứng trong khung thành cũng không được phép sai lầm, dù là nhỏ nhất. Bằng không, giấc mơ Vàng SEA Games sau 60 năm vẫn chưa thể thành hiện thực.

Mặt sân cỏ nhân tạo rất khó chịu

Trong bàn thua thứ 2 của U22 Việt Nam trước U22 Thái Lan, điều này được thể hiện rõ nhất. Khi bóng chạm đất, độ nảy của mặt sân nhân tạo khác rất nhiều so với sân cỏ. Do đó, các cầu thủ chưa thể làm quen được điều này dù đã trải qua 4 trận trước đó.

Từ lý do này, các tiền đạo của U22 Indonesia có thể chọn cách mà họ đã hạ gục U22 Thái Lan ở vòng bảng. Đó là cách đá nhanh, ít chạm và tận dụng tối đa các pha bóng dài cùng sự bứt phá tốt của hàng tiền đạo.

U22 Indonesia là đội có lối đá bóng dài và nhanh. Ảnh: D.P.

Với đội tuyển quốc gia, thầy Park có thể sử dụng nhiều phương án khác nhau, thậm chí chơi bóng dài. Nhưng ở đội U22, lối chơi này không được khuyến khích. Do đó, các cầu thủ phải cố gắng thích nghi đến mức tối đa trong trận đấu quan trọng này.

Thể lực của nhiều vị trí không đảm bảo

Nhìn chung, U22 Indonesia là đội chủ động chơi thể lực do có nền tảng tốt hơn. Cùng với cường độ đá trung bình 3 ngày/trận, U22 Indonesia vẫn có khả năng chơi tốt trước một đối thủ giàu thể lực không kém là U22 Myanmar đến tận hiệp phụ.

Đối thủ không phải đội chơi kĩ thuật nên sẽ chọn cách đá rát và tranh chấp tay đôi trong từng pha bóng. Nếu không tìm cách thoát được kiểu phá sức này, U22 Việt Nam có thể rơi vào tình trạng đuối sức. Và khi thể lực không đảm bảo, bàn thua có thể đến bất cứ lúc nào.

Trọng Hoàng và các đàn em cần tránh đua thể lực. Ảnh: D.P

Thầy Park sẽ có cách

Sau nhiều giải đấu đã qua, người hâm mộ có thể yên tâm về tài xoay chuyển và thích nghi với tình huống của ông thầy người Hàn Quốc. Chính ông Park cũng chia sẻ, các đội bóng của ông sẽ chơi thứ bóng đá để thắng, không cần quá hoa mỹ để đạt được mục đích cuối cùng.

Do đó, không bất ngờ nếu trận đấu tối nay (10.12) rơi vào thế giằng co và chỉ được định đoạt bằng một vài khoảnh khắc cá nhân. Với tài thay người đỉnh cao của mình, thầy Park sẽ có những lựa chọn sáng suốt nhất.

Giấc mơ Vàng SEA Games chỉ còn cách bóng đá Việt Nam 1 trận nữa thôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn