MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bỏ trần khuyến mãi

NGUYỄN TRUNG HIẾU LDO | 01/06/2018 06:26
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15.7 tới đây.

Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định trên là doanh nghiệp (DN) được khuyến mại, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ, thay vì mức trần 50% như Nghị định 37/2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại 2005 đã quy định trước đây. Tuy nhiên, chính sách nới trần quảng cáo không áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ thuộc chương trình bình ổn giá của nhà nước; doanh nghiệp giải thể, phá sản, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất kinh doanh…

Phần lớn các DN cho rằng, việc khuyến mãi bao nhiêu, như thế nào là chuyện của từng đơn vị kinh doanh. Bên cạnh đó, mỗi DN tùy theo nhu cầu, khả năng tài chính và chiến lược riêng mà tự cân nhắc, quyết định chiêu thức kinh doanh của mình. Theo nhiều nhà bán lẻ, sở dĩ họ phải áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi vì người tiêu dùng ngày nay có nhiều cơ hội lựa chọn, so sánh hàng hóa.

Mỗi nhà bán lẻ có chương trình khác biệt để thu hút khách hàng. Tại TPHCM, năm tháng đầu năm 2018, ước tính đã có 32.000 hồ sơ thủ tục hành chính khuyến mãi từ các doanh nghiệp được duyệt qua cổng thông tin trực tuyến.

Theo đó Sở Công Thương phải mất rất nhiều thời gian để đối chiếu thông tin khuyến mãi, so sánh sản phẩm… Vì lý do này, trong thực tế việc quản lý khuyến mãi trong một số lĩnh vực kinh doanh, các cơ quan chức năng trong nhiều năm qua gần như làm qua loa, chiếu lệ.

Bà Võ Thị Lan Phương, một chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá tác động chính sách (RIA) cho rằng, chính sách trần khuyến mãi trước đây là giải pháp tình thế. Hiện nay trong điều kiện công cụ quản lý tốt hơn, kinh tế đất nước hội nhập sâu hơn, thì việc dỡ bỏ các rào cản không cần thiết như việc quy định trần khuyến mại trước đây là cần thiết.

Bà Phương còn cho rằng thậm chí nên bỏ hẳn mức trần khuyến mãi 50% cho mọi trường hợp. Vì nếu chỉ dỡ bỏ trong một phạm vi hẹp, cụ thể thì DN vẫn mất thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm tính cạnh tranh và sự linh hoạt trong quá trình ra quyết định kinh doanh.

Theo đó cơ quan quản lý nhà nước cũng đỡ mất thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giám sát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc giảm giá nằm trong khuôn khổ các trường hợp được quy định. Hơn hết người tiêu dùng càng có nhiều cơ hội mua được mua sản phẩm giá rẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn