MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần cù và thông minh

KỲ QUAN LDO | 17/03/2018 07:15
Đồng Tháp Mười (ĐTM) là vựa lúa của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo.

Có thành quả ấy, chủ yếu là nhờ ĐTM ruộng đất mênh mông, người nông dân cần cù “một nắng hai sương”. Đó là chuyện đã qua, còn bây giờ, khi những khái niệm “công nghiệp 4.0”, “nông nghiệp thông minh (NNTM)” đang ngày càng chi phối đời sống xã hội, đồng ruộng và người nông dân ĐTM cũng phải thay đổi để thích ứng.

Một cánh đồng trồng lúa theo mô hình NNTM thuộc xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vừa được triển khai. Đây được xem là mô hình NNTM có sự liên kết Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông được thực hiện lần đầu ở vùng ĐTM.

Với chiếc điện thoại thông minh, nhà quản lý dù đang ở cách xa hàng nghìn cây số vẫn có thể điều khiển bao việc nhọc nhằn khác trên đồng lúa. Trồng lúa theo NNTM không tốn nhiều công, giải quyết được bài toán thiếu lao động ở nông thôn do lao động trẻ tập trung vào thành phố, các khu công nghiệp.

Khỏi phải nói, với những gì “mắt thấy tai nghe”, chứng kiến phương pháp trồng lúa “quá ư nhàn rỗi” vì nhiều khâu trong quy trình sản xuất đều được tự động hoá bằng công nghệ, bà con nông dân chỉ còn biết trầm trồ thán phục.

Để rồi, không cần ai vận động, bà con nông dân cũng làm đơn xin đưa ruộng đất vào tham gia mô hình. Thành công của một mô hình cụ thể trên một cánh đồng là những bước đầu tiên đưa đồng ruộng ĐTM đi vào nền NNTM.

Dân mình rất nhạy cảm, cái gì hay sẽ có sức lan tỏa rất nhanh, “mần ruộng thông minh” chắc chắn sẽ được bà con đón nhận nồng nhiệt!

Với cách sản xuất “thông minh”, cộng với tính cần cù bao đời của bà con nông dân thì lo gì không có sản phẩm chất lượng cao, lúa gạo sạch cung cấp cho thị trường. Mà là lượng hàng hoá đủ lớn, nhờ thu hút được nhiều nông dân tham gia, để tạo dựng được thương hiệu, làm chủ thị trường, mua tận gốc bán tận ngọn, không phải qua tầng nấc trung gian, lợi nhuận của người sản xuất càng tăng lên.

Người nông dân “vừa cần cù vừa thông minh” đã biết từ bỏ cách làm cũ, vừa tốn nhiều công sức, vừa hiệu quả thấp, trong khi hàng hóa làm ra tiêu thụ rất bấp bênh.

Người nông dân “vừa cần cù vừa thông minh” đã biết hợp tác cùng nhau, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, không chỉ biết “mần ruộng” mà còn biết “làm ăn” với ruộng đất, biết sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, trên con đường làm giàu cho mình và cho quê hương!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn