MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cao tốc cho đồng bằng

NHẬT HỒ LDO | 02/01/2019 08:09

Hiện tại vùng Đông bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có một tuyến cao tốc Trung Lương - TPHCM. Tuy nhiên, tương lai không xa vùng miền Tây sông nước có thêm nhiều tuyến cao tốc để ĐBSCL tăng tốc.

Chẳng hạn như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đang được đề nghị đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đi qua các tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Đây là tuyến đường xây dựng mới chạy dọc sông Hậu và song song với quốc lộ 91. Theo thiết kế, tuyến cao tốc có tổng chiều dài 200km, điểm đầu tại thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang) và điểm cuối tại TP.Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng)... Dự án có tổng mức đầu tư hơn 29.000 tỉ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ khoảng 50% chi phí. Dự kiến, dự án sẽ được thực hiện từ 2023.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa quan trọng đối với ĐBSCL. Theo đó Cảng nước sâu Trần Đề cũng đang được lấy ý kiến xây dựng, để hàng hóa ĐBSCL xuất khẩu, mà không phải đi các tỉnh miền Đông. Ngoài ra đến năm 2030, vùng đất chín rồng sẽ hoàn thành các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Cùng với hệ thống giao thông các trục dọc, trục ngang nối các vùng kinh tế trọng điểm (trong vùng) và TPHCM, Campuchia, ĐBSCL sẽ không còn vùng hạ tầng giao thông yếu nữa.

Thực tế cho thấy, gần đây hệ thống giao thông đã được Chính phủ đặc biệt chú ý tại ĐBSCL. Những tuyến đường đã góp phần làm thay đổi ĐBSCL. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, 5 năm trước, thu hút FDI của ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 5 - 6% cả nước, nhưng trong 2 năm gần đây đã tăng lên 12%.

Riêng trong 11 tháng năm 2018, thu hút FDI của ĐBSCL chiếm trên 10,6% cả nước. Toàn vùng hiện có 1.495 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 20,95 tỉ USD. Những con số này chứng tỏ ĐBSCL đang trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành điểm đến đầy quyến rũ của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư vào khu vực này khởi sắc hơn nữa, phải giải quyết sớm hạ tầng giao thông. ĐBSCL dự kiến sẽ cần khoảng 67,3 nghìn tỉ đồng để đầu tư 27 dự án quan trọng, cấp bách để kết nối toàn vùng với TPHCM và Đông Nam Bộ.

Ai cũng biết, xây dựng hạ tầng giao thông cho ĐBSCL tốn kém hơn các vùng khác. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế, xã hội lớn hơn rất nhiều so với mức đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn