MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồi chè B'lao. Ảnh: Báo Bình Định.

Cây chè B’Lao

Nguyễn Trung Hiếu LDO | 07/12/2017 06:37
Bảo Lộc (Lâm Đồng) trước đây cũng như hiện nay được biết rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước với thương hiệu Trà B’Lao. Tuy nhiên, diện tích chè trên địa bàn Bảo Lộc hiện có chiều hướng giảm mạnh, dấy lên sự lo lắng mất vùng chuyên canh...

So với 10 năm trước, hiện diện tích chè trên địa bàn đã giảm 16,1% tổng diện tích (còn khoảng 7.700ha). Theo đó, trên địa bàn TP.Bảo Lộc có khoảng 101 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, chế biến chè. 

DN Long Vân cho biết, từ khi thay đổi công nghệ sản lượng nâng lên khoảng 1 tấn/ngày, nhưng nhân công giảm được đến 3/4. Còn Cty TNHH Tâm Châu cũng tương tự. Đơn vị này cũng đã thử nghiệm đưa máy hái trà của Nhật Bản để từng bước chuyển đổi thu hái từ thủ công qua cơ giới. Tuy rằng hiệu quả chưa cao vì có khoảng 20% sản lượng chè hái bằng máy không cho ra chính phẩm, nhưng tương lai cũng sẽ khắc phục được. Theo thống kê, giá trị sản xuất, chế biến chè hằng năm của TP.Bảo Lộc đạt khoảng 345 tỉ đồng, với sản lượng chế biến các loại đạt khoảng 20,5 nghìn tấn; xuất khẩu hơn 5,3 nghìn tấn với giá trị hơn 15 triệu USD. Các sản phẩm như chè đen, chè xanh viên, Ô long xuất khẩu qua ít nhất mười thị trường nước ngoài. 

Tuy vậy quá trình phát triển đô thị, hoặc chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế trước mắt cao hơn, đang lấn sang diện tích cây chè rất mạnh. Ngoài ra quy trình thu hái, bảo quản nguyên liệu; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy trình kỹ thuật, gây tổn thất cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè… cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giảm diện tích trồng chè. Bà Nguyễn Thị Thêm - chủ DN tư nhân Long Vân - lo lắng: “Gia đình tôi đã có hơn 40 năm gắn bó với ngành trà. Hiện nay, so với nhiều loại cây trồng khác thì cây chè mang lại hiệu quả kinh tế thấp hơn và các thế hệ kế cận không muốn tiếp tục trồng chè”.  

Trong hoàn cảnh thị trường cạnh tranh, rõ ràng cây chè Lâm Đồng đang mất lợi thế và đòi hỏi một tư duy kinh doanh đa dạng hơn. Nhiều DN đã xây hệ thống phân phối để khai thác thị trường 90 triệu dân trong nước. Tuy vậy để ngành chè phát triển bền vững, vai trò chính quyền quan trọng hơn bao giờ hết trong các chính sách khuyến khích liên kết, hợp tác xây dựng và bảo tồn phát triển vùng nguyên liệu giữa DN, hộ dân, nhà quản lý, nhà khoa học… Hơn hết là các chính sách điều hành linh động trong thuế, phí...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn