MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cirsium Arvense, tên tiếng Việt là cây Kế đồng, một loai cỏ độc gây hại cho môi trường. Ảnh: World of Flowering Plants.

Cỏ độc vào Việt Nam: Cơ quan quản lý cần cấm ngay

Ngô Sơn LDO | 14/10/2018 07:00
Trong hơn 1,2 triệu tấn lúa mì được các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu về Việt Nam có chứa loại hạt cỏ tên khoa học là Cirsium Arvense (tên tiếng Việt là cây Kế đồng). Trong khi DN kêu cứu vì thua lỗ thì cơ quan quản lý cho rằng phải cấm, tái xuất lúa mì chứa cỏ độc, vì nguy cơ gây hại cho môi trường.

Kêu cứu

Trong góc độ VSATTP, bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM) cho rằng, cỏ Cirsium arvense chưa đến mức gây hại cho sức khỏe con người.

Ông Phan Công Cường tuy làm doanh nghiệp (Cty CP Việt Nam Kỹ nghệ bột mì - Vikybomi), bởi lo lắng nên tự mày mò tìm hiểu về loài “cỏ độc” này, và cho hay, loại cỏ này sống xen với cây lúa mì, tức chung khí hậu thổ nhưỡng. Khí hậu nhiệt đới Việt Nam hầu như không trồng được loại lúa mì nên có thể loại cỏ này không phát triển mạnh được ở nước ta, nên không lo lắng cho các cây trồng khác. Mặt khác, khi về nhà máy có khâu phân loại, hạt này sẽ bị loại bỏ, nên việc cấm là không cần thiết.

Còn theo quan điểm đại diện Cty CP bột mì Bình An, nếu cấm thì phải để cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Doanh nghiệp không thể nào tìm được nguồn cung lúa mì ở các nước khác, chỉ trong thời gian quá ngắn (hạn tới 1.11.2018).

Theo Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, nếu cấm rất đơn giản, nhưng phải làm sao để giảm thiểu tối đa nhất thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, cũng như người dân Việt Nam nói chung mới là vấn đề khó. Từ quan điểm đó, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM sẽ cùng các doanh nghiệp sẽ đồng ký văn bản gửi bộ, ngành liên quan đề nghị lùi thời hạn cấm nhập khẩu lúa mì, có hướng gỡ khó cho các doanh nghiệp.

Hàng hóa làm từ lúa mì sẽ tê liệt?

Theo thống kê, Việt Nam nhập khẩu lúa mì từ 4 - 5 triệu tấn/năm, chủ yếu từ  từ Úc, Mỹ, Canada, về làm thành bột mì để sản xuất các loại bánh mì, bánh ngọt, mì ăn liền... Oái oăm, “cỏ độc” lại chỉ phát hiện trong lúa mì nhập về (vì lẫn trong khâu thu hoạch).

Trước vấn đề nghiêm trọng, mới đây, hàng loạt doanh nghiệp tại TPHCM liên quan ngành bột mì đã ngồi lại phản ứng.  

Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT Cty liên doanh bột Quốc tế Intermex bức xúc cho biết, lô hàng lúa mì trị giá 300 tỉ đồng của Cty đang trên đường về nước. Nếu lô hàng này bị áp dụng biện pháp tái xuất thì sẽ gây thiệt hại lớn.

Tương tự, Phan Công Cường (Cty CP Việt Nam Kỹ nghệ bột mì - Vikybomi) cho rằng, nếu bị cấm thì Cty không còn nguồn nguyên liệu để sản xuất, nguy cơ ngưng hoạt động là hiện hữu.

Hầu hết đại diện các Cty ngành bột mì như Cty CP bột mì Bình An, Cty bột mì Bình Đông... đều e ngại sẽ bị ngưng hoạt động vì không có nguồn nguyên liệu. Hơn thế nữa, theo nhiều doanh nghiệp, không chỉ ngành bột mì mà nếu cấm sẽ ảnh hưởng “donmino” đến nhiều ngành nghề khác như chế biến mì ăn liền, bánh kẹo… Tất nhiên DN đóng cửa, công nhân sẽ thất nghiệp.

Cấm để triệt đường về của cỏ độc

Từ đầu năm tới nay, cơ quan chức năng đã phát hiện loại hạt cỏ tên khoa học là Cirsium Arvense (tên tiếng Việt là cây Kế đồng) trong hơn 1,2 triệu tấn lúa mì được các doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam.

Loài cỏ này có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng cạnh tranh lấn chiếm lớn, cạnh tranh với rất nhiều loài cây lương thực quan trọng như ngô, đậu Hà Lan, đậu tương, bông, lanh, kê, lúa miến, đại mạch, yến mạch, kiều mạch, lúa mạch đen, lúa mỳ, đậu, khoai tây, cà rốt... Loài cỏ này gây hại cho cây trồng tại trên 40 quốc gia. Nhiều quốc gia xếp loại vào đối tượng rất gây hại nguy hiểm và là đối tượng cấm của nhiều nước như Australia, Hàn Quốc, Argentina, Brazil… 

Lo ngại loại cỏ này về sẽ ảnh hưởng tới nông nghiệp Việt Nam, theo chỉ đạo của Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II (TPHCM) vừa gửi công văn tới hàng loạt doanh nghiệp thông báo 2 nội dung: Từ ngày 1.11.2018 các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium arvense sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý là tái xuất; Cục BVTV báo cáo Bộ NN-PTNT xem xét, quyết định tạm ngừng nhập khẩu các loại vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium arvense.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn