MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tàu vỏ thép ở Quảng Nam nằm bờ vì thua lỗ. Ảnh minh hoạ/baoquangnam.

Con tàu, mành lưới

Nguyễn Trung Hiếu LDO | 28/08/2017 08:53

Từ đầu năm 2016 đến nay, ngư dân Đỗ Văn Th. (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) - chủ tàu vỏ thép QNa-935.. tổ chức được 5 chuyến bám biển tại ngư trường Hoàng Sa, nhưng chưa chuyến biển nào có thu vượt chi.

Đáng nói hơn, ba chuyến biển gần đây của tàu vỏ thép này đều thua lỗ. Làm ăn thất bát đã khiến cho con tàu vỏ thép có công suất 811CV này phải nằm bờ hơn hai tháng nay. Giống tình hình anh Th., hàng loạt tàu vỏ thép ở Hội An, Duy Xuyên… cũng lâm vào tình trạng tương tự. Điểm giống nhau của các ngư dân này là đều sản xuất nghề lưới rê hỗn hợp. “Mắt lưới của nghề này rộng đến gần 20cm, chỉ cá quá to mới dính lưới nên hiệu quả sản xuất thấp” - một ngư dân cho biết nguyên nhân. 

Hiện tại, trên địa bàn Quảng Nam có 8 tàu vỏ thép và 1 tàu vỏ composite theo nghề lưới rê hỗn hợp. Nghề này được chuyển giao trong thời gian qua ở huyện Duy Xuyên và Hội An sau khi đề tài khoa học “Nghiên cứu hỗ trợ chuyển giao nghề lưới rê hỗn hợp khai thác vùng biển khơi tại Quảng Nam” do Trường Đại học Nha Trang chủ trì, được Sở KHCN nghiệm thu vào tháng 3.2016.

Tuy vậy, sau khi chuyển giao, ngư dân tiếp nhận nghề này, đầu tư vàng lưới dài 18km, mắt lưới rộng 16,5cm giá nhiều tỉ đồng, thì sản xuất không hiệu quả. Đến nay chủ của 9 chiếc tàu theo nghề lưới rê hỗn hợp đều muốn chuyển nghề vì sản xuất thua lỗ. Nhiều ngư dân muốn bán vàng lưới rê hỗn hợp để đầu tư, sản xuất trở lại với nghề lưới Bạc Liêu, với mắc lưới nhỏ hơn, thu cá nhiều hơn, hoặc mua sắm thiết bị chuyển nghề chụp mực… nhưng giá cũng đến hơn 1,5 tỉ đồng. Vay ngân hàng thì không có tiền trả đáo hạn, và có muốn vay thì ngân hàng chưa chắc dám cho.

Trong một hội nghị mới đây, đại diện chính quyền tỉnh Quảng Nam cho rằng, ngành thủy sản cần phải xem xét lại hoạt động của nghề lưới rê hỗn hợp, vì nghề này chỉ có mùa vụ từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Muốn vậy, phải phối hợp với các địa phương ven biển, các chủ tàu, các ngân hàng thương mại làm lại thiết kế cho nghề mới, trình Bộ NN&PTNT phê duyệt rồi kiện toàn lại tàu cá, đầu tư thêm để sản xuất kiêm nghề.

Tuy nhiên, cái khó nằm ở chỗ nguồn vốn cho ngư dân vay để đầu tư kiếm nghề thuộc quyền tự quyết của các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, ngư dân lại đang ôm một đống nợ đóng tàu, mua lưới mới, thì ngân hàng nào dám cho vay tiếp?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn