MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Được cả đôi đường!

CAO HÙNG LDO | 15/08/2017 10:30
Vậy là sau gần hai tháng tranh cãi quyết liệt xung quanh việc “nhấn chìm” 1 triệu mét khối bùn thải của Cty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống khu vực biển Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. 

Ngày 9.8, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) đã đồng ý với phương án: Toàn bộ 1 triệu mét khối bùn thải từ Cty Vĩnh Tân 1 sẽ được dùng bồi đắp vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân - thay vì chở xa 13km xả đổ xuống biển… Tin nóng này, khiến không ít người yêu môi trường, lo lắng cho vùng biển du lịch Bình Thuận bị ô nhiễm… trút được gánh nặng.

Thay vào đó là niềm vui và hạnh phúc ngất ngây! Hơn thế, với việc không “nhấn chìm” bùn thải, mà thay bằng phương án dùng bùn thải để bồi đắp, còn được Bộ TNMT vạch ra một kế hoạch lâu dài. Đó là khảo sát, quy hoạch các vị trí cần sử dụng vật chất nạo vét (tương tự như bùn thải của Cty Vĩnh Tân 1) để san lấp, lấn biển, chống sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt, đánh giá các mặt về cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh tế-xã hội để sử dụng vật chất nạo vét san lấp, lấn biển, chống xâm thực, sạt lở bờ biển… Chuyện tưởng đơn giản, nhưng suốt nhiều ngày qua, việc có nên “nhấn chìm” 1 triệu mét khối bùn thải xuống biển hay không, đã là chủ đề tranh luận gay gắt trên báo chí, mạng xã hội, dư luận cả nước… Và, cuối cùng, với đề xuất dùng bùn thải bồi đắp cảng tổng hợp Vĩnh Tân của các vị lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã được Bộ TNMT chấp nhận. Bởi, việc dùng bùn để bồi đắp, chẳng những tránh rủi ro lớn là ô nhiễm vùng biển, mà còn mang giá trị kinh tế - tận dụng bùn thải để bồi đắp công trình xây dựng, tiện lợi đủ điều.

Chợt nhớ cách đây 5 năm, khi Dự án thủy điện 6 - 6 A có nguy cơ phá vỡ môi trường Khu sinh thái - Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Giống như lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lúc đó cũng lên tiếng phản ứng Dự án thủy điện 6 - 6A. Quả nhiên sau đó, dự án trên đã buộc phải hủy bỏ. Rừng quốc gia Nam Cát Tiên được bảo toàn… Nếu tiếng nói của người dân hay ai đó không được lắng nghe, thì tiếng nói, đề xuất của lãnh đạo địa phương hợp lý, hợp thời, sẽ giá trị nhiều lần. Vì, đó chính là tiếng nói thay cho dân, phù hợp với lòng dân v.v… Còn đó những dự án đang gây dư luận trái chiều như: Xây dựng công trình ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), lấn sông Đồng Nai làm nhà cao tầng (Đồng Nai)… Cần lắm những tiếng nói, các đề xuất hợp lý, hợp thời, thay cho lòng dân, từ chính những lãnh đạo của các địa phương như: Bình Thuận, Đồng Nai…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn