MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá điện thất thoát vào tiền ảo

THẨM HỒNG THỤY LDO | 09/03/2018 06:22
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho hoạt động đào/khai thác tiền ảo (Bitcoin, Litecoin, Ethereum…) theo khung đối với hoạt động nhằm mục đích kinh doanh.

Có nghĩa là, giá bán điện cho các hoạt động chạy hệ thống máy tính để đào/khai thác tiền ảo sẽ tăng lên so với lâu nay, so với khung giá cho mục đích sinh hoạt hay loại hoạt động có giá bán điện thấp hơn.

Hướng dẫn tăng này hoàn toàn hợp lý. Bởi việc sử dụng điện cho hoạt động khai thác tiền ảo không thể là nhằm mục đích sinh hoạt. Nếu lâu nay chưa áp vào khung kinh doanh, là vì doanh nghiệp cung cấp điện cũng như các cơ quan quản lý chưa cập nhật, và điều đó gây thất thoát nguồn thu không nhỏ. Chi phí năng lượng là một trong những loại chi phí lớn nhất đối với hoạt động khai thác tiền ảo.

Giá điện ở Việt Nam khá thấp so với mặt bằng nhiều nước, vì thế nhiều cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài, nhiều nhất là từ Trung Quốc, đã sang Việt Nam thuê mặt bằng, mua sắm thiết bị và thuê nhân công để thực hiện việc đào tiền ảo. Con số tính đến cuối năm 2017 có hơn 7.000 cỗ máy đào tiền ảo đã được nhập vào Việt Nam, đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia có hoạt động đào/khai thác tiền ảo sôi động nhất.

Khi các “nhà máy” đào tiền ảo được mở tại Việt Nam, thì đối tượng đầu tư được hưởng lợi tới hai lần: Thứ nhất là nhờ vào giá điện ở Việt Nam khá thấp so với nhiều nước. Thứ hai là nếu chỉ áp giá điện theo khung giá điện sinh hoạt, thì họ lại được hưởng lợi thêm lần nữa.

Có một chút “lấn cấn” để áp khung giá điện kinh doanh đối với hoạt động đào/khai thác tiền ảo là làm sao xác định được đối tượng tiêu dùng điện cho loại hoạt động đó nếu họ không công khai? Như vậy, ngành điện buộc phải thường xuyên quan sát, nắm bắt, theo dõi để chống thất thu trong việc bán điện vào khu vực hoạt động khai thác tiền ảo.

Và cũng cần biết rằng, ngoài hoạt động đào/khai thác tiền ảo chính quy với sự đầu tư thiết bị nhất định, ngày nay còn lan tràn các loại mã độc với mục đích xâm nhập vào các hệ thống máy tính để ăn cắp tài nguyên máy tính và năng lượng của người khác phục vụ cho việc đào tiền ảo.

Cuối tháng 12.2017 tại Việt Nam đã từng lan tràn loại mã độc như thế qua Facebook Messenger, với gần 13.000 máy tính bị nhiễm, cũng có nghĩa là bị ăn cắp tài nguyên máy tính và năng lượng để khai thác tiền ảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn