MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giải quyết điểm nóng chung cư

Thẩm Hồng Thụy LDO | 13/10/2018 15:24

Nhiều chung cư (CC) mới sau khi đưa vào vận hành và sử dụng đều xảy ra tranh chấp từ mức độ nhỏ đến lớn. Từ năm 2017 đến nay, tranh chấp CC tại Hà Nội và TPHCM ngày càng căng thẳng. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng trình lên Thủ tướng Chính phủ, trong hơn 100 trường hợp CC xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư (CĐT) và cư dân (CD) thời gian qua, chung quy gồm 8 loại tranh chấp cơ bản, trong đó gay gắt nhất là tranh chấp sở hữu chung -riêng; CĐT không bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần quỹ bảo trì; chất lượng công trình cùng với những điều kiện về kỹ thuật, an toàn…

Tình trạng tranh chấp CC đã xảy ra hàng chục năm qua nhưng do không được quan tâm giải quyết tận gốc cho nên mới kéo dài tới thời điểm hiện nay. Ngày 9.10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà CC; trong đó có một số vấn đề được nhấn mạnh biện pháp xử lý: Kiên quyết cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà CC; công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an danh mục các dự án nhà CC không bảo đảm các quy định về PCCC…  

Chỉ thị đã đưa ra những chỉ đạo và biện pháp mạnh hơn nhằm giải quyết vấn đề. Trên thực tế, trong hầu hết các vụ tranh chấp, CD đều nắm đằng lưỡi thiệt đơn thiệt kép trong khi các cơ quan chức năng tại địa phương còn chậm trễ trong việc can thiệp, giải quyết.

Cuối tháng 3.2018, UBND TP.Hà Nội đã ban hành văn bản có nội dung nhấn mạnh: Các dự án để khiếu kiện kéo dài, CĐT thiếu trách nhiệm giải quyết, UBND thành phố sẽ xem xét lại năng lực nếu CĐT đề xuất dự án đầu tư khác. Tuy nhiên, văn bản này mang tính khuyến cáo và răn đe nhiều hơn là quy định chế tài. Để giải quyết tình trạng tranh chấp CC kéo dài dai dẳng hiện nay cần có các quy định mạnh và nghiêm hơn, với sự tham gia tích cực của các cơ quan chức năng tại địa phương.

Trong sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng CC và quản lý, vận hành, sử dụng nhà CC, cần thêm những chế tài mới đối với CĐT. Đơn cử như quy định buộc CĐT dự án xây dựng CC phải thế chân một khoản tiền nhằm bảo đảm cho việc thực hiện các nghĩa vụ, cam kết đối với khách hàng mua căn hộ. Đây cũng là một biện pháp dự phòng cho tình huống khi các CĐT lật kèo không thực hiện đúng cam kết thì CD nắm đằng lưỡi còn có chỗ mà bấu víu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn