MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giữ và bồi dưỡng nguồn lợi

Châu Tường LDO | 08/11/2017 09:50
Tại Khánh Hòa vừa diễn ra Hội nghị sơ kết thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS). 

Ông Lê Trần Nguyên Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển NLTS - cho biết, sản lượng khai thác thủy sản hiện nay đã vượt quá giới hạn khai thác khoảng 30,3%, đặc biệt đối với nhóm hải sản tầng đáy.

Tuy vậy, vẫn còn khả năng cho phép khai thác ước tính khoảng 2,45 triệu tấn. Tổng số tàu thuyền khai thác hải sản hiện có gần 111 nghìn phương tiện. Tổng sản lượng khai thác các nhóm cá biển, tôm, cua ghẹ, mực và bạch tuộc là khoảng 3,1 triệu tấn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo sinh kế cho hàng triệu người dân.

Tính tới thời điểm hiện tại, các địa phương đã thực hiện gần 3.500 đợt kiểm tra, tuần tra, kiểm soát về lĩnh vực khai thác và bảo vệ NLTS; xử lý hơn 11,6 nghìn vụ vi phạm với tổng số tiền hàng chục tỉ đồng. Trong 5 năm qua, có khoảng 171 tấn và 4,5 triệu con cá giống được thả vào các vùng biển, thủy vực tự nhiên, hồ chứa. Tuy vậy, ông Nguyễn Quang Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản - đưa ra cảnh báo một số loài thủy sản đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, các hệ sinh thái thủy sinh tại nhiều nơi đang bị phá hủy, đặc biệt các bãi giống, bãi đẻ bị mất. Nguyên nhân được thông báo, là do số lượng tàu thuyền khai thác quá nhiều, đặc biệt tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ với nghề hủy diệt, khai thác sai tuyến, không theo mùa vụ... làm cho NLTS bị suy giảm nghiêm trọng. Viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản đề xuất cần phải giảm số lượng tàu khai thác hải sản tầng đáy, điều chỉnh và duy trì số lượng tàu khai thác cá nổi... hạn chế khai thác có thời hạn trong năm đối với một số loại nghề (lưới kéo, lưới vây chụp, vó mành).

Để tránh tuyệt chủng nhiều loài thủy sản, việc hạn chế, đi đến cấm khai thác theo mùa hoặc vùng là điều hiển nhiên đối với ngành khai thác thủy sản nước nhà. Tuy vậy thật khó mà nói rằng không ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân trước mắt cũng như lâu dài. Ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận - cho rằng, với kinh nghiệm của địa phương: “Bên cạnh việc thả giống thì quan trọng hơn là phải giữ, bồi dưỡng cho nguồn lợi, đặc biệt đối với tầng đáy không bị tác động... Hiện Bình Thuận đã cấm nghề giã cào bay hoạt động trong vùng cấm và cấm khai thác nhuyễn thể hai mảnh trong mùa sinh sản... Đặc biệt, mô hình cộng đồng quản lý đã bảo vệ NLTS cho thấy mọi việc đang tốt lên”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn