MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa, nguồn: CafeF.

Hai đường thẳng song song

GIA MIÊU LDO | 27/07/2018 07:49
Ngân hàng “đỏ mắt” tìm khách hàng, chương trình ưu đãi vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) thì nhiều, nhưng các doanh nghiệp (DN) này vẫn khát vốn.

Một vấn đề quanh quẩn mấy năm nay vẫn chưa thể có đáp án chung. Thực tế, nhóm DN nhỏ luôn kỳ vọng mình có thể vay được vốn rẻ, vì nhận thức được rằng, chính họ đang đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Vì vậy, các DNVVN kỳ vọng làm sao đó để họ có được vốn rẻ nhất, ưu đãi nhất...

Hiện tại, có nhiều chính sách hỗ trợ vốn dành cho DNVVN, thông qua các cơ chế về tín dụng, lãi suất và tỉ giá... Đặc biệt dành cho 5 nhóm đối tượng như DN nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao được cho vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, đại diện NHNN thừa nhận, dù có nhiều đầu mối đứng ra bảo lãnh nhưng không dễ dàng kết nối, vẫn có DN không tiếp cận được nguồn vốn hoặc phải vay với lãi suất cao. Đa phần DN này do không thiếu các hoạch định kế hoạch tài chính ngắn hạn, dài hạn. Thêm vào đó, hiện tượng hai sổ sách kế toán, nhằm giảm mức thuế phải đóng, cũng khiến cho ngân hàng ngần ngại.

Bản thân các ngân hàng nhìn nhận các thủ tục khi cho vay ở thời điểm hiện tại, dù đã cắt giảm đến 2/3 so với ba năm trước đây nhưng vẫn còn khá phức tạp. Nguyên nhân là ngân hàng cần chặt chẽ, đảm bảo tính pháp lý để bảo vệ mình trước các cơ quan kiểm soát khác. Các chuyên gia tài chính cho rằng, có bốn vấn đề lớn mà DNVVN đang gặp phải khi tiếp cận vốn từ ngân hàng. Đầu tiên là không có tài sản đảm bảo; thứ nữa thời gian thành lập ngắn, nên không đáp ứng được điều kiện về báo cáo thuế trên 3 năm; thứ ba là rất sợ sự phức tạp của các thủ tục và cuối cùng là không có báo cáo tài chính chuẩn theo yêu cầu.

Rõ ràng đối tượng muôn đời hướng đến của các ngân hàng là DN, và ngược lại. Vấn đề là đáp ứng được các điều kiện của nhau hay không? Mỗi ngân hàng có một “khẩu vị” riêng, có những đối tượng khách hàng ưu tiên nên DN cần hiểu rõ để tìm đúng nơi. Tuy vậy, một trong những vấn đề chính hiện nay làm DN e dè, đó là “bẫy tín dụng”: Lãi suất thường chỉ ổn định được trong 1-2 năm đầu, khi DN đã vào guồng sản xuất kinh doanh, thì lãi suất tăng cao, đẩy họ vào thế khó. Nếu không giải quyết được bài toán nêu trên thì nhu cầu DN và ngân hàng mãi mãi là hai đường thẳng song song.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn