MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ nổi trên sông của người Miền Tây. Ảnh: Dulichmientay

Nâng cánh cho Miền Tây

CAO HÙNG LDO | 26/09/2017 06:28

Ngày 26 và 27.9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu”. Nội dung hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, như Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà phát biểu: “ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho cả nước. Vì vậy, hội nghị xác lập quyết sách chiến lược, phát triển phù hợp với thách thức biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp”.

Thật vậy, trên đất nước này, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hay gọi thân mật là... “Miền Tây”. Vùng đất đồng bằng phía Nam mang nặng phù sa, bao đời nay là vựa thóc bảo đảm an ninh lương thực cho cả đất nước; là cái “dạ dày” cho cả quốc gia. Hằng năm, VN xuất khẩu hàng triệu tấn gạo. Và, VN trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới, là nhờ... Miền Tây.

Ấy vậy, nghịch lý là đời sống của hàng triệu người dân ĐBSCL vẫn còn... chưa giàu. Trong khi cả nước, thu nhập bình quân 47,9 triệu đồng/người/năm, thì thu nhập của người dân Miền Tây lại... chỉ 40,2 triệu đồng. Tính riêng cây lúa, ĐBSCL chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng cả nước; xuất khẩu gạo, toàn vùng ĐBSCL chiếm 90% sản lượng cả nước. Chưa nói thuỷ sản, ĐBSCL chiếm tới 70% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu cả nước...

Giữ một vị trí hết sức quan trọng đối với quốc gia như vậy, nhưng suốt nhiều năm qua, vẫn chưa có một chính sách xứng tầm để phát triển ĐBSCL một cách hiệu quả. Cho tới khi xuất hiện xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng thấy vào năm 2016, cả nước mới giật mình... lo lắng cho cái “dạ dày” của quốc gia. Việc 160 nghìn hécta lúa bị mất trắng do xâm nhập mặn, với hơn 320 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, 775 nghìn người Miền Tây thiếu nước ngọt trầm trọng vào mùa khô năm 2016... cả nước mới nhận thức được biến đổi khí hậu tác hại như thế nào. Và, tầm quan trọng của ĐBSCL như thế nào đối với sự sống còn của cả đất nước...

Còn nhớ cách đây 20 năm, lúc sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trăn trở: “Một vùng đất làm ra hạt gạo nuôi sống cả nước; vậy mà người dân vẫn vất vả quanh năm. Kinh tế các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa thể phát triển, khi mà đường sá, hạ tầng, nhân lực... vẫn còn thấp kém...”. Không phải ngẫu nhiên, có tờ báo đã ví von hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì là “Hội nghị Diên Hồng” bàn kế sách xứng tầm để phát triển ĐBSCL. Vâng, sau “Hội nghị Diên Hồng”, với sự nỗ lực của một Chính phủ kiến tạo, hy vọng Miền Tây sẽ được nâng cánh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn