MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa, nguồn: Toiyeunongnghiep.

Nghịch lý trái dừa

LÊ NHƯ GIANG LDO | 11/07/2018 06:45
Giá dừa trái ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập, đời sống của nông dân. Người trồng dừa ở Bến Tre đã kiến nghị chính quyền có chính sách hỗ trợ; kể cả đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá dừa.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bến Tre, diện tích và sản lượng dừa của tỉnh chỉ chiếm 1% so với thị trường thế giới nên không thể tác động vào giá bán tại nước ta (chủ yếu phụ thuộc vào giá dừa trái) và giá bán các sản phẩm từ dừa trên thị trường thế giới. Do đó, việc thành lập quỹ bình ổn giá dừa rất khó thực hiện.

Ấy nhưng, xoay quanh thị trường tiêu thụ và giá dừa trái ở Bến Tre đang có một nghịch lý. Hiện công suất chế biến của các nhà máy ở Bến Tre có khả năng tiêu thụ khoảng trên 1,25 tỉ trái/năm, gấp 2 lần sản lượng dừa của tỉnh và cao hơn tổng sản lượng dừa vùng ĐBSCL. Hơn nữa, theo UBND tỉnh Bến Tre, các doanh nghiệp chế biến dừa trong tỉnh đã thực hiện tốt việc áp dụng chính sách giá bảo hiểm (giá sàn theo hợp đồng ký kết), đảm bảo thu mua ổn định cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đã ký kết liên kết sản xuất - tiêu thụ. Điều đó cho thấy, trái dừa ở miền Tây không hề “bí” đầu ra, nhưng vì sao giá lại không ổn định, thời gian gần đây sụt giảm mạnh?

Thực tế cho thấy, dù đã có chính sách giá bảo hiểm và liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác, song lâu nay phần lớn người trồng dừa ở Bến Tre vẫn chọn giải pháp tự tiêu thụ dừa trái. Điều này khiến giá bán phụ thuộc vào diễn biến của thị trường vốn bị chi phối bởi các khâu trung gian. Đó là một trong những nguyên nhân khiến đầu ra và giá dừa trái trồi sụt thất thường...

Hẳn nhiên, nông dân trồng dừa hay bất kỳ người sản xuất thuộc lĩnh vực nào cũng mong muốn sản phẩm do mình làm ra bán được giá, có thị trường tiêu thụ ổn định. Do vậy, thực tế tình hình xoay quanh trái dừa hiện nay đang đặt ra vấn đề: Vì sao người trồng dừa vẫn chưa chủ động, chưa mặn mà tham gia vào HTX, tổ hợp tác để tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp? Đây là vướng mắc cần lý giải thấu đáo để đề ra giải pháp sát hợp tình hình nhằm tháo gỡ nghịch lý đã và đang diễn ra đối với trái dừa ở Bến Tre nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn